Hôn nhân đổ vỡ vì chồng không thể tự lập

GD&TĐ - Chị đã phải ra quyết định để tự cứu vãn cuộc sống của mình trước khi bản thân chị rơi vào cảnh trầm cảm.

Hôn nhân đổ vỡ vì chồng không thể tự lập

Trước khi lấy anh Thuận, chị đã đắn đo rất nhiều vì nhà anh Thuận có 2 anh em mà mẹ anh lại muốn sống chung với cả 2. Nhà anh Thuận rộng, có nhiều phòng riêng, người em trai đã lấy vợ và có con, ở trên tầng 2 của căn nhà. Nếu lấy anh Thuận, vợ chồng chị My sẽ ở trên tầng 3 của căn nhà lớn. Tất cả đều có công trình phụ biệt lập. Tuy rất ngại phải sống chung trong một gia đình đông đúc, nhưng nghe anh thuyết phục rằng cứ về ở cho mẹ vui một thời gian rồi kiếm cớ ra ngoài ở riêng.

Về chung một nhà, ban đầu chị My thấy cũng khá thoải mái vì gia đình chị sống ở tầng 3, đi làm về là nấu cơm ăn riêng, tối xuống tầng 1 trò chuyện với mẹ chồng, em chồng và các cháu. Thế nhưng được vài bữa, anh Thuận bảo với chị My rằng, mẹ ăn cơm một mình buồn, vợ chồng chú thím thỉnh thoảng mời mẹ ăn cùng, gia đình mình cũng nên làm thế cho phải phép. Chị My vui vẻ đồng ý. Khi thì chị mua thức ăn ở dưới nhà nấu cơm ăn với mẹ chồng, khi thì chị nấu trên tầng 3, mời mẹ chồng lên ăn. Tưởng như thế mẹ chồng sẽ vui, ai ngờ, những lúc ăn cơm chung là cơ hội để mẹ chồng chị soi mói, chê bai, trách móc đủ điều.

1

Không những thế, mẹ chồng chị còn nói xấu chị với cô em dâu chồng, ngược lại, nói xấu em dâu chồng với chị. Vì câu chuyện của mẹ chồng nên nảy sinh không ít sự hiểu lầm. Nhiều lúc em dâu chồng còn gây sự với chị, rồi có thời gian đi chung một cửa mà chẳng chào hỏi nhau. Quan hệ gia đình căng như dây đàn.

Đã thế, mẹ chồng chị My luôn tìm cách bắt hai anh con trai túc trực bên cạnh. Bà lúc nào cũng kêu bị đau tim, cho nên kể cả nửa đêm bà gọi điện là anh Thuận nháo nhào chạy xuống ngủ ở sofa tầng 1 để trông mẹ. Tuần nào bà cũng làm vài cú như thế khiến cho chị My lúc nào cũng nơm nớp khi chuông điện thoại kêu. Bình thường chị thấy mẹ chồng vẫn đi chơi khắp xóm, thỉnh thoảng theo bạn bè đi chơi xa vào nam ra bắc cả tháng, không thấy ốm yếu gì. Nhưng cứ về nhà lại kêu ốm đau, bệnh tim.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi mẹ chồng chị bắt anh Thuận đêm nào cũng phải xuống ngủ trông bà. Chị My có con nhỏ, đêm hôm quấy khóc chỉ có thể đánh vật một mình không ai đỡ đần. Tình cảm vợ chồng cứ xa cách dần vì anh Thuận sống với chị nhưng chỉ quanh quẩn bên mẹ, lúc nào cũng mẹ là số 1. Bao nhiêu việc lớn nhỏ đều mình chị lo. Chị nghe hàng xóm kể lại, mẹ chồng chị bắt anh Thuận xuống ngủ để trông bà chỉ là cái cớ, bởi: “Con nhỏ thế, vợ nó bắt trông con đêm hôm mệt, mình phải vờ ốm để gọi thằng Thuận xuống ngủ cho ngon, tội gì trông con cả đêm mai đi làm có mà trắng mắt ra”, bà nói thế.

Có lần, chị My nhắc lại chuyện ra ở riêng, anh Thuận gạt phắt ngay đi: “Đang sống chung vui vẻ như thế tự nhiên lại ra ở riêng, tiền đâu mà mua nhà, mẹ thì ai trông?”. Chị My biết đấy chỉ là lý do vì anh Thuận thích sống chung với mẹ chứ kinh tế của gia đình chị đủ khả năng mua căn hộ chung cư.

Thế nhưng mỗi ngày qua đi, chị My lại càng cảm thấy mệt mỏi, vì dù chị có gắng sức để chiều mẹ chồng bà cũng không thỏa mãn. Đám cháu nhà em chồng thì chạy nhảy hò hét suốt ngày. Mỗi năm ma chay hiếu hỉ họ hàng đều tụ tập ở nhà chị khiến cho chị chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Mệt mỏi, chồng lại chỉ nghe lời mẹ chẳng quan tâm gì đến cuộc sống riêng, chị My cảm thấy cuộc sống như ở địa ngục.

Khi chị đưa đơn ly hôn, anh Thuận còn cho rằng chị là kẻ hẹp hòi, không xứng đáng làm con dâu mẹ anh. Chị dắt con rời khỏi căn nhà lớn ấy mà thấy lòng nhẹ bẫng. Chị không bắt anh lựa chọn giữa mẹ và vợ, chị chỉ đơn giản cần anh như một người chồng của gia đình nhỏ, nhưng anh đã lựa chọn làm con của gia đình lớn mà bỏ quên chị và con. Chị không hối hận vì điều mình đã lựa chọn, mong rằng anh cũng thế.

Theo Giadinhvietnam.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ