Theo đó, người dân trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore và Việt Nam, nhìn chung chú trọng đến trải nghiệm tổng thể khi đi mua sắm. Hầu hết người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy những cải thiện tiêu biểu trong các trung tâm thương mại lớn, nhỏ và các nhà phố thương mại trong ba năm qua. Hơn 60% người được phỏng vấn cho biết các trung tâm mua sắm mà họ đến thường xuyên có cải thiện về thiết kế, cách bố trí, dịch vụ và diện tích công cộng. Hơn 50% đồng ý rằng ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường và các trung tâm thương mại có nhiều tiện ích giải trí hơn.
Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy hành vi tiêu dùng khác nhau giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, khả năng chi trả, sự sạch sẽ và an ninh là các yếu tố được đánh giá quan trọng hàng đầu theo thứ tự liệt kê khi họ chọn địa điểm mua sắm. Tuy nhiên, giá cả chỉ xếp thứ ba tại Việt Nam về độ quan trọng. Người Việt Nam đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu bán lẻ trong một trung tâm mua sắm nhưng sự hiện diện cụ thể của một thương hiệu bán lẻ hoặc trung tâm thương mại tổng hợp hoặc nhãn hiệu nước ngoài lại ít được xem trọng.
Trái với nhận định chung, các tiện ích giải trí được xem là ít quan trọng hơn so với các “thành phần cơ bản" như giá cả, sự sạch sẽ và an ninh. Kết quả khảo sát này có thể khá thất vọng, khi mà các trung tâm thương mại hiện nay tập trung phát triển ngày càng nhiều vào dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện nhằm tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho người đến mua sắm.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là hơn 50% khách hàng trong độ tuổi từ 18-34 đánh giá rằng những tiện ích như vậy tương đối hoặc rất quan trọng trong quyết định lựa chọn địa điểm mua sắm của họ. Ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành, Bộ phận Cho thuê Mặt bằng Bán lẻ, khu vực Đông Nam Á, nhận xét: “Sự tăng trưởng của số lượng người tiêu dùng trẻ nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiện ích vui chơi và giải trí (bao gồm ngành hàng ăn uống) trong việc cung cấp một trải nghiệm tổng thể đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh dài hạn cũng như tăng giá trị của bất động sản bán lẻ.”
Vô hình chung, bài toán đặt ra cho các chủ đầu tư và chủ tòa nhà là phải biết thích nghi và làm mới các trung tâm bán lẻ sao cho phù hợp với xu hướng người tiêu dùng, bắt đầu từ giai đoạn lên ý tưởng. Trước khi lựa chọn khu đất để phát triển dự án và lên kế hoạch hướng tiếp cận, chủ đầu tư cần tìm hiểu phương thức đi lại của người tiêu dùng và thời gian mà họ sẵn sàng bỏ ra để di chuyển đến trung tâm mua sắm mà họ ưa thích.
Hành trình mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. |
Só liệu khảo sát cho thấy, 78% số người được khảo sát có thể dành ra đến 30 phút để di chuyển đến trung tâm thương mại họ yêu thích và 57% số người thích mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn.Tuy nhiên, trong tương lai tỷ lệ này dường như bị giảm xuống vì tác động của giao thông và công nghệ.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho rằng: “Sự hoàn thành của tuyến Metro trong thời gian tới sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển và theo đó, thời gian mà người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra để đến được trung tâm mua sắm cũng sẽ giảm xuống”. Bà còn cho biết thêm: “Mặc dù triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan, các nhà quản lý trung tâm thương mại cần phải lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. Đây là vấn đề thiết yếu trong quản lý và các lĩnh vực liên quan như quảng cáo”.
Theo CBRE, 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 45% - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh/máy tính bảng.