Hỗn loạn người nhập cư ở Ý

GD&TĐ - Các khu vườn Piazza Venezia ở trung tâm Rome thường là điểm nghỉ chân ưa thích của những vị du khách mệt mỏi. Thế nhưng những tuần gần đây, nơi đây trở thành nơi tụ tập của những người tị nạn kiệt quệ, đang hoang mang vì bị đuổi ra khỏi một tòa nhà mà họ đã chiếm một cách bất hợp pháp trong nhiều năm.

Hỗn loạn người nhập cư ở Ý

Quá tải người nhập cư

Đầu tuần này, cảnh sát Ý lại vừa trục xuất những người nhập cư từ một khu lán trại tạm thời. Những căn lều bằng bìa và những hộp carton làm giường ngủ của họ bị cưỡng bức dỡ bỏ. Saba, một phụ nữ 30 tuổi trong số đó, phân trần: “Tất cả chúng tôi đều đang tìm kiếm nơi trú ẩn. Họ đòi chúng tôi phải biến mất, nhưng chúng tôi biết đi đâu bây giờ?”.

Với các cuộc bầu cử mùa xuân tới, việc trục xuất hàng trăm người nhập cư, trong đó có nhiều người từ Eritrea và Ethiopia – các thuộc địa cũ của Ý – khiến bạo lực gia tăng ở Rome và gây nên cuộc tranh cãi về dân nhập cư trên toàn nước Ý. Đối với một số người, vấn đề này càng tô đậm thêm sự hỗ trợ rất hạn chế của Ý đối với những người xin tị nạn sau khi họ đã đến đất nước này cùng cơ chế hoạt động chậm chạp của nó. Đối với nhiều người khác, tình trạng này là một minh chứng sống động cho thấy Ý, đặc biệt là Rome, vốn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và địa ốc, đang quá tải lượng người nhập cư, mặc dù con số này đã giảm đáng kể trong mùa hè năm nay.

Judith Sunderland, người phát ngôn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Mọi thứ xung quanh mỗi vụ vây ráp đều gây phiền toái. Các đảng chính trị ở Ý đang tận dụng tình trạng này và nuôi dưỡng một phản ứng tự nhiên, thể hiện rất rõ ràng trong nhiều vấn đề, như nhà ở công cộng hay nhà ở giá rẻ chẳng hạn”.

Vấn nạn khó giải quyết

Trong hơn một thập kỷ qua, hàng trăm người tị nạn đã tìm cách chiếm bất hợp pháp hàng chục tòa nhà khắp Rome. Đối với nhiều người trong số họ - những người hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào của chính phủ Ý - đó là cách duy nhất để họ có thể tồn tại trên đường phố. Theo thị trưởng thành phố Virginia Raggi, có hơn 10.000 người ở Rome đang chờ đợi để được giao nhà ở công cộng. Nhiều người trong số họ đã chờ đợi trong nhiều năm.

Việc trục xuất đã được quyết định vào năm 2015, sau khi tòa án phán quyết bênh vực quyền lợi các chủ sở hữu của tòa nhà 7 tầng gàn ga tàu trung tâm của Rome. Tuy nhiên, cả các nhà chức trách lẫn chủ sở hữu tòa nhà, không ai có thể lý giải vì sao đến bây giờ, việc trục xuất mới được tiến hành. Khoảng 20 nhân viên cảnh sát đeo khẩu trang đã giải tán nhóm người đang tụ tập trước tòa nhà. Cuộc đối đầu nhanh chóng trở thành những gì mà giới truyền thông Ý mô tả là “cuộc chiến ở thành thị”. Các cuộc đụng độ sau đó khiến 5 người phải đến bệnh viện, 13 người khác cần được điều trị y tế. 4 người bị điều tra vì các hành động bạo lực như ném bình xăng và đá vào cảnh sát.

Ngày mai vô định

Tương lai của những người bị trục xuất khỏi tòa nhà thật vô định. Một số chuyển đến các tòa nhà bị chiếm bất hợp pháp khác, những người còn lại sống vật vờ ngay tại vườn hoa Piazza Venezia gần tòa thị chính và phản đối việc trục xuất họ. Ahmad Al Rousan, một thành viên tổ chức Bác sĩ không biên giới, cho rằng hậu quả của các cuộc trục xuất cũng gây ảnh hưởng tâm lý tới người nhập cư. “Đó lại là một cú sốc nữa, sau tất cả những khó khăn, thậm chí những nguy hiểm chết người mà họ đã trải qua khi vượt Địa Trung Hải”, ông nói. “Họ đều đã mong đợi chính phủ Ý bảo vệ. Vì vậy, việc trục xuất làm tổn thương đến lòng mong đợi của những người nhập cư”.

Các quan chức Ý cho biết: Trước khi tiến hành trục xuất, các nhà ở thay thế đã được chuẩn bị cho những người nhập cư trái phép, nhưng họ đã từ chối. Hiện nay, chính quyền Ý vẫn đang tìm kiếm giải pháp, trong đó có khả năng người di cư sẽ được đưa vào các nhà trọ tạm thời, hoặc trong các tòa nhà bị tịch thu từ các băng đảng tội phạm có tổ chức của Ý. Thị trưởng Rome, bà Raggi cũng cho biết đã đề xuất để được tận dụng các doanh trại quân đội không cho mục đích này.

Việc trục xuất đã đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải cho hàng ngàn người tị nạn sống bất hợp pháp tại các tòa nhà ở Rome và các thành phố các của Ý. Người di cư đến Ý được trợ giúp trong những tháng đầu tiên, tuy nhiên, sự trợ giúp giảm nhiều sau khi họ nhận được tình trạng tị nạn, trong khi chính quyền Ý chưa có chương trình chính thức nào hỗ trợ người nhập cư hội nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.