Đảo Henderson ở phía nam Thái Bình Dương là một trong những hòn đảo xa xôi và hẻo lánh nhất thế giới. Hòn đảo này không có người ở và chỉ được các nhà khoa học ghé thăm từ 5 đến 10 năm một lần vì mục đích nghiên cứu, theo Live Science.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) liệt kê đảo Henderson vào danh sách Di sản Thế giới năm 1988.
Tuy nằm cách xa khu vực khu dân cư nhưng bãi biển của đảo Henderson tràn ngập rác.
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nam Cực và Biển (IMAS) thuộc Đại học Tasmania (Australia), ước tính có khoảng 37,7 triệu mảnh rác thải nhựa, tương đương với khối lượng 17 tấn, nằm rải rác trên bãi biển của đảo Henderson.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Theo nhóm nghiên cứu, với mật độ khoảng 671 mảnh nhựa trên mỗi mét vuông, đảo Henderson trở thành nơi có mức độ ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu là do hòn đảo này nằm gần trung tâm dòng hải lưu Gyre ở phía nam Thái Bình Dương, khiến nó tích tụ rác thải có nguồn gốc từ Nam Mỹ và các tàu đánh cá trên biển.
"Đảo Henderson là một ví dụ điển hình cho thấy những mảnh vỡ nhựa đang ảnh hưởng đến môi trường trên phạm vi toàn cầu như thế nào" - Jennifer Lavers, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Lavers, đảo Henderson có hơn 3.750 mảnh rác thải nhựa mới mỗi ngày. Khối lượng rác thải trên đảo có thể lớn hơn rất nhiều so với ước tính, do nghiên cứu mới chỉ giới hạn các mảnh rác có kích thước lớn hơn 2 mm và nằm sâu 10 cm trong bãi biển cát.
"Các mảnh rác thải nhựa có thể gây nguy hiểm cho nhiều loài sinh vật nếu nuốt phải, tạo ra một rào cản vật lý trên bãi biển đối với động vật như rùa, làm giảm tính đa dạng của động vật không xương sống ven bờ" - Lavers nói.