Hơn 80.000 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận

GD&TĐ - Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 23 ca tử vong.

Tuýp virus SXH lưu hành năm nay chủ yếu là D1, D2.
Tuýp virus SXH lưu hành năm nay chủ yếu là D1, D2.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 23 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp. Trong khi đó, tại Hà Nội, số ca mắc SXH trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, số ca mắc SXH vẫn đang tiếp tục tăng mạnh với hơn 2.000 ca/tuần. Con số này tăng gấp đôi so với tuần cuối tháng 8. Không ít địa phương sau nhiều năm không xuất hiện SXH cũng đã có bệnh nhân nhập viện điều trị.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch SXH với số ca mắc không ngừng tăng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện cơ sở y tế này có khoảng 150 bệnh nhân điều trị SXH. Mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng nhập viện. Số bệnh nhân này đến từ nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu từ Hà Nội.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối về các bệnh truyền nhiễm nên hầu hết các ca nhập viện đều đã có diễn biến nặng như tràn dịch, suy hô hấp, máu cô đặc…

Một số bệnh nhân diễn biến nặng do có bệnh nền, bệnh nhân đang điều trị bệnh khác bằng thuốc chứa corticoid liều cao, hoặc phụ nữ mang thai. Không ít bệnh nhận nhập viện muộn do chủ quan, tự điều trị tại nhà.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 6 - 10% số ca mắc SXH diễn biến nặng. Song, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt không được lạm dụng việc truyền dịch khi điều trị tại nhà.

Việc truyền dịch phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế có chuyên môn và tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuýp virus SXH lưu hành năm nay chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch SXH thời gian tới, Cục Y tế dự phòng cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản. Từ đó, làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các bệnh do muỗi truyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ