Hôm qua (6/5), Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo những nguy cơ phải phong tỏa trở lại nếu các nước không nới lỏng các giới hạn một cách “cực kỳ cẩn thận và theo phương pháp từng bước một”. Ông đưa ra một loạt các bước đi cần có trước khi các nước dỡ bỏ các biện pháp ngăn dịch như kiểm soát việc giám sát bệnh dịch và chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống y tế.
Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) hôm qua cũng cho biết ít nhất 90.000 nhân viên y tế trên thế giới được cho là đã mắc Covid-19 và con số thật có thể cao gấp 2 lần như vậy. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có những thông tin về thiếu thiết bị bảo hộ tại các bệnh viện.
Mỹ có 1.258.051 ca mắc Covid-19, gồm 20.418 ca mới. Số ca tử vong là 74.190, gồm 1.919 ca mới. TT Trump hôm qua cho biết với nước Mỹ, đại dịch Covid-19 tồi tệ hơn so với vụ tấn công Trân châu cảng và vụ khủng bố 11/9, đồng thời chỉ trích Trung Quốc khi nói rằng dịch bệnh lẽ ra đã dừng ở quốc gia này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đang hướng tới con số 100.000 vào cuối tháng 5.
Tây Ban Nha có 253.682 ca mắc, gồm 3.121 ca mới. Số ca tử vong là 25.857 ca, gồm 244 ca mới. Hôm qua quốc hội Tây Ban Nha bỏ phiếu đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp, cho phép các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 được duy trì trong ít nhất 2 tuần nữa. Nước này đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ gần 8 tuần trước để đối phó dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng việc phớt lờ nguy cơ của đại dịch và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nhanh chóng là điều sai trái và là lỗi lầm không thể tha thứ được. Như vậy các giới hạn phòng dịch ở Tây Ban Nha sẽ kéo dài cho tới 23/5.
Italy có 214.457 ca mắc, gồm 1.444 ca mới. Số ca tử vong là 29.684 ca, gồm 269 ca mới. Italy đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch với việc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ 55 ngày trước. Trên cả nước, các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất đã được khôi phục, các nhà hàng chuẩn bị mở cửa... Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
Anh có 201.101 ca mắc, gồm 6.111 ca mới. Số ca tử vong là 30.076, gồm 649 ca mới. Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tuần sau, tuy nhiên ông sẽ không để nguy cơ tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới. Hiện Anh được xem là bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu và chỉ đứng sau Mỹ trên thế giới.
Đức có 168.162 ca mắc, gồm 1.155 ca mới. Số ca tử vong là 7.275 ca, gồm 282 ca mới. Đức sẽ có những bước đi mới hướng về bình thường hóa cuộc sống trong tháng 5, bao gồm mở cửa trường học, cửa hàng. Đến nay, chỉ một số HS nhất định như sắp có kỳ thi mới được phép quay lại trường. Từ tuần sau, các trường mầm non, tiểu học cũng sẽ mở cửa.
Nga có 165.929 ca mắc, gồm 10.559 ca mới. Số ca tử vong là 1.537, gồm 86 ca mới. TT Putin cảnh báo về việc đưa ra quyết định nới lỏng những giới hạn một cách vội vã. “Sự lây lan của virus corona tại các vùng của Nga khác nhau. Một số nơi cần có các biện pháp nghiêm khắc, được điều chỉnh, trong khi những nơi khác có thể lên kế hoạch nới lỏng, nhưng chỉ được thực hiện dựa trên ý kiến của giới khoa học và chuyên gia, đồng thời phải xem xét mọi yếu tố và nguy cơ có thể có” – TT Putin nói trong một cuộc họp về thực hiện các biện pháp để hỗ trợ kinh tế xã hội và cho biết bất kỳ sự bất cẩn, vội vàng nào cũng khiến tình hình khó kiểm soát. Cái giá của một sai lầm nhỏ nhất cũng là sự an toàn và sức khỏe của người dân.
Tình hình dịch tại một số quốc gia khác: Brazil có 125.218 ca (10.503 ca mới), Iran có 101.650 ca (1.680 ca mới), Peru có 54.817 ca (3.628 ca mới), Ấn Độ có 52.987 ca (3.587 ca mới), Singapore có 20.198 ca (788 ca mới), Philippines có 10.004 ca (320 ca mới), Thái Lan có 2.989 ca (1 ca mới), Indonesia có 12.438 ca (367 ca mới)...