Hơn 200 thí sinh gian lận trong kỳ thi vào trường y tại Pakistan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vụ việc gian lận trong tuyển sinh vào trường y tại Pakistan hồi tháng 9 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính minh bạch của kỳ thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y Pakistan.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y Pakistan.

Các chuyên gia kêu gọi chính phủ cần tăng cường biện pháp phòng chống gian lận.

Kỳ thi tuyển sinh y khoa tại Pakistan từ lâu đã nổi tiếng về sự minh bạch và khắt khe. Trong số hàng trăm nghìn thí sinh tham dự, hàng năm, chỉ vài nghìn thí sinh đạt điểm cao nhất có thể thành công vượt qua kỳ thi và theo học tại các trường y khoa danh tiếng.

Tuy nhiên, “tiếng thơm” này đang bị ảnh hưởng bởi vụ gian lận trong kỳ thi tuyển sinh y khoa tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (KPK) hồi tháng 9 vừa qua. Theo đó, nhiều thí sinh đã bí mật sử dụng tai nghe Bluetooth để gian lận. Các em đọc câu hỏi cho người ở bên ngoài và nhận câu trả lời qua tai nghe. Thiết bị này được bán với giá khoảng 10 nghìn USD với cam kết giúp thí sinh đạt điểm trên 90%.

Kết quả của tỉnh KPK bị nghi ngờ và cơ quan chức năng tiến hành điều tra. 219 thí sinh gian lận trên tổng số 45 nghìn thí sinh dự thi đã bị bắt giữ. Đến nay, danh tính của những kẻ bán thiết bị Bluetooth vẫn chưa được tìm thấy.

Sau sự cố, tỉnh KPK quyết định tổ chức lại kỳ thi và thành lập một cơ quan điều tra riêng dành cho vụ việc. Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Giáo dục (ETEA), cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện kỳ thi tuyển sinh y khoa, khẳng định họ sẽ nghiêm túc điều tra và rà soát lại công tác tổ chức thi.

Tuy nhiên, những động thái trên chưa đủ xoa dịu sự giận dữ của dư luận và gia đình các thí sinh tham dự kỳ thi. Hiệp hội Y khoa Hồi giáo Pakistan (PIMA) đã phản ánh lo ngại nghiêm trọng về tình trạng hỗn loạn trong tuyển sinh vào các trường y và sự quản lý yếu kém của địa phương.

PIMA đã kêu gọi Hội đồng Y tế và Nha khoa Pakistan (PMDC), các cơ sở y tế cấp tỉnh có liên quan và các trường đại học thiết lập chính sách tuyển sinh trung ương thống nhất và minh bạch nhằm giải quyết tình trạng hiện nay.

Bày tỏ thất vọng về vụ gian lận vừa qua, TS Abdul Aziz Memon, Chủ tịch PIMA, cho biết: Thí sinh có nguyện vọng vào trường y và phụ huynh của các em là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hỗn loạn trên. Quyền lợi của họ dường như bị bỏ qua, khiến họ rơi vào tình trạng thiếu chắc chắn.

Theo các chuyên gia PIMA, Pakistan cần các biện pháp chống gian lận cụ thể cho các kỳ thi quốc gia. Điều đầu tiên là các tổ chức giáo dục, nhà hoạch định chính sách và công chúng phải ý thức rõ việc gian lận trong kỳ thi quan trọng như tuyển sinh y khoa là hành động sai trái, cần phải lên án và phòng chống quyết liệt.

Trong các kỳ thi tiếp theo, Pakistan cần triển khai nhiều giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu tình trạng gian lận. Ví dụ, các bài kiểm tra có thể thực hiện trên máy tính. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ngân hàng câu hỏi lớn và sử dụng thuật toán ngẫu nhiên để tạo ra các bài kiểm tra dành riêng cho mỗi thí sinh, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ trao đổi bài.

Bên cạnh đó, các tổ chức phải đầu tư vào hệ thống phát hiện tiên tiến có khả năng xác định và ngăn chặn các thiết bi trái phép trong kỳ thi như camera an ninh, thiết bị gây nhiễu sóng...

Nhờ sử dụng thiết bị trót lọt nên năm nay, số thí sinh đạt điểm trên 90% tại tỉnh KPK đã tăng 580% so với các năm trước đó. Trong khi tại các địa phương khác, không nơi nào ghi nhận số điểm tăng quá 25% so với năm ngoái. Đáng chú ý, tỷ lệ đỗ chung toàn quốc (thí sinh đạt điểm 45% điểm trở lên) giảm gần 5% xuống còn 63,5% so với năm ngoái.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ