Hơn 12 tiệu đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Sau gần 7 tháng triển khai thực hiện gói 62.000 tỷ cho thấy đây là chủ trương, quyết định rất nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Nhiều người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã nhận được hỗ trợ.
Nhiều người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã nhận được hỗ trợ.

Sau gần 7 tháng triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã có hơn 12 triệu đối tượng được chi trả hỗ trợ, với hơn 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều vướng mắc đã bộc lộ trong quá trình triển khai nên tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng còn chậm. Để tháo gỡ những khó khăn gặp phải, mới đây Nghị quyết 154 của Chính phủ và Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 42 và Quyết định số 15.

Sau gần 7 tháng triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy đây là chủ trương, quyết định rất nhân văn và có ý nghĩa sâu sắc của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ và cùng doanh nghiệp, người dân, góp phần khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch, ổn định sản xuất, đời sống.

Nghị quyết 42 và Quyết định 15 đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm tại các địa phương trong cả nước. Việc triển khai các chính sách công khai, minh bạch, góp phần ổn định đời sống nhân dân và người lao động, ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Tổng kết công tác của Nghị quyết 42 và Quyết định 15 thì qua quá trình triển khai đối tượng chi trả bảo trợ xã hội, người có công, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cơ bản chi trả hết tất cả các đối tượng này và đối tượng thụ hưởng là hơn 12 triệu người và tổng số tiền là hơn 12.000 tỷ.

Bên cạnh đó có hộ kinh doanh, một số đối tượng là người lao động tự do đã được chi trả và một số lao động bị mất việc tạm hoãn hợp đồng cũng được hỗ trợ. Tổng cộng cả tiền tạm dừng đóng bảo hiểm tử tuất và hưu trí thì chúng ta đã chi khoảng hơn 27.000 tỷ".

Tuy nhiên việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như nguồn ngân sách chi trả, ngân sách địa phương không chủ động được mà chủ yếu dựa vào sự phân bổ cấp trên, tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tại một số địa phương còn chậm.

Đối với nhóm người người sử dụng vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc thì người sử dụng lao động cũng khó có thể đáp ứng được điều kiện để được vay vốn, nhất là điều kiện có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 liên tục trở lên và không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.

Công tác chi trả cho người dân thuộc các nhóm liên quan đến lao động, việc làm còn chậm do các địa phương kiểm tra rà soát lại số đối tượng trùng. Công tác kiểm tra rà soát, sàng lọc đối tượng ban đầu chưa kỹ càng ảnh hưởng đến việc phân loại, chi trả cho đối tượng (trùng lắp).

Việc rà soát, lập danh sách vẫn có tình trạng sai, trùng hoặc sót đối tượng hưởng chính sách sau khi đã được phê duyệt danh sách dẫn đến số đối tượng không đủ điều kiện hưởng còn cao; việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai các nội dung về điều kiện hỗ trợ, quy trình, thủ tục, hồ sơ theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhóm đối tượng người lao động và hộ kinh doanh của một số cán bộ cấp huyện, xã, bản chưa kỹ, chưa rõ nên còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Trên cơ sở tình hình triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15, mới đây Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154, ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 và Quyết định số 32, ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng của chính sách và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động…

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết thêm: "Đã điều chỉnh theo hướng bổ sung thêm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 là giáo viên ở cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, trung học phổ thông của các cơ sở dân lập tư thục và các cơ sở tự chủ. Thứ hai là đối với việc cho vay của ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc".

Cụ thể, Nghị quyết số 154 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ.

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng...

Nghị quyết 154 cũng sửa đổi nội dung về hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.

Về hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, Nghị quyết số 154 cũng quy định, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời gian nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng...

Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, về nội dung hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khoản 3 Điều 1 về điều kiện hỗ trợ. Đồng thời hồ sơ, trình tự, thủ tục vay, phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân được cũng có một số sửa đổi... thể hiện sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời của Chính phủ đối với thực tiễn để chính sách đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất./.

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.