Cam kết mang tên gọi “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về sử dụng rừng và đất Glasgow” có hiệu lực đối với 85% diện tích rừng trên toàn thế giới đồng thời cung cấp 19,2 tỷ USD tiền tài trợ công và tư để chấm dứt các hoạt động phá hủy đất rừng hợp pháp cũng như bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các bên ký kết vẫn chưa xác định cam kết sẽ được thực thi như thế nào. Điều này khiến nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng các thỏa thuận chống phá rừng không ràng buộc về mặt pháp lý trước đây như Tuyên bố New York về rừng năm 2014 - cam kết giảm một nửa nạn phá rừng vào năm 2020 và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 - đã không thực hiện được các mục tiêu đưa ra.
Simon Lewis, Giáo sư về khoa học thay đổi toàn cầu tại Đại học London, nói với BBC: “Việc nhiều quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng và đưa ra nguồn tài trợ đáng kể để thực hiện mục tiêu là một tin tốt”. Nhưng ông nói thêm rằng, động thái này cũng không khác với tuyên bố năm 2014 – một cam kết “không hề làm chậm nạn phá rừng đi chút nào”.
Jo Blackman, người đứng đầu chính sách và vận động chính sách về rừng của tổ chức nhân quyền phi chính phủ về môi trường Global Witness, nói rằng, mặc dù danh sách các bên ký cam kết rất “ấn tượng”, nhưng cam kết đứng trước nguy cơ lặp lại thất bại trong quá khứ nếu thiếu hiệu quả dưới dạng cam kết pháp lý.
Ngoài vai trò là hệ sinh thái quan trọng, rừng còn hấp thụ và lưu trữ carbon dioxide – thành phần chiếm khoảng 80% lượng khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2019, phá rừng và dọn đất là các hoạt động gây ra 23% lượng khí thải nhà kính từ con người trên toàn cầu.
Các động lực chính dẫn tới hoạt động dọn đất là gây dựng đồng cỏ cho gia súc (41%), tạo đất trồng trọt thương mại để trồng dầu cọ và đậu nành (18%) và khai thác gỗ và giấy (13%), theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Global Environmental Change.
Dữ liệu vệ tinh do Global Forest Watch tổng hợp cho thấy một phần ba số vụ phá rừng nhiệt đới vào năm 2019 xảy ra ở Brazil. Trên thực tế, Brazil và Indonesia là 2 quốc gia gây thiệt hại 52% trong số 54.000 km vuông đất rừng bị mất trên toàn cầu.
Một nghiên cứu vào tháng 7/2021 cho thấy, rừng Amazon đã bắt đầu sản xuất ra nhiều carbon hơn mức hấp thu, theo Live Science đã đưa tin trước đây. Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 10/2020, cho thấy rằng có tới 40% diện tích rừng nhiệt đới Amazon đang đứng trước tình trạng sắp biến đổi thành xavan, là đồng cỏ hoặc rừng cây nằm trong hoặc tiếp giáp với vùng nhiệt đới.
Mặc dù có thể còn nhiều thách thức phía trước, nhưng những thành công trong việc trồng và khôi phục rừng không phải là chưa từng có và có thể đạt được. Bất chấp những thiệt hại đối với rừng mưa nhiệt đới quý giá, một nghiên cứu sử dụng vệ tinh của NASA cho thấy trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã trở nên xanh hơn một cách rõ rệt.
Trong quỹ tài trợ mới của cam kết, 1,7 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ các cộng đồng bản địa trong việc bảo vệ rừng nhiệt đới bằng cách đảm bảo quyền của họ đối với đất đai. Theo Global Witness, trong 227 người thiệt mạng khi bảo vệ hệ sinh thái theo báo cáo vào năm 2020, 1/3 số người hi sinh đến từ các cộng đồng bản địa.