Hơn 100 cảnh sát Pháp bị thương vì cuộc biểu tình Ngày Lao động

GD&TĐ - Gần 300 người biểu tình đã bị bắt trong các cuộc biểu tình rầm rộ nhân Ngày Lao động Pháp chống lại các cải cách lương hưu gây tranh cãi.

Biểu tình ở Pháp.
Biểu tình ở Pháp.

Theo chính quyền địa phương, hơn 100 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong tình trạng bất ổn trên.

Hôm 1/5, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết rằng cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 291 người trên toàn quốc, 111 người trong số họ đã bị bắt ở Paris. Ông lưu ý rằng ít nhất 108 cảnh sát đã bị thương, một con số mà ông mô tả là "cực kỳ hiếm" đối với một cuộc biểu tình vào ngày 1/5.

Bộ trưởng cho biết chỉ riêng tại thủ đô của Pháp, có tổng cộng 25 sĩ quan bị thương, trong đó một người bị bỏng nặng ở mặt và tay sau khi trúng bom xăng.

Ông Darmanin đưa ra tổng số người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước là 782.000. Tuy nhiên, công đoàn CGT đã bác bỏ con số này, cho rằng gần 2,3 triệu người đã xuống đường trên toàn quốc.

Trong khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình ở một số địa điểm, theo đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội. Những người biểu tình đã ném đạn và bom xăng vào cảnh sát, rồi bị đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay.

Vụ bạo lực trên đã bị chính quyền Pháp lên án. Thủ tướng Elizabeth Borne nói rằng, trong khi Ngày Lao động là “thời điểm của sự huy động và cam kết có trách nhiệm”, “những cảnh bạo lực bên lề các cuộc diễu hành càng không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, ông Darmanin tuyên bố bạo lực đã được thúc đẩy bởi các nhóm cực tả được gọi là các “khối đen”. Ông cho biết cảnh sát đã phải đối mặt với “những tên côn đồ cực kỳ bạo lực với một mục tiêu: giết cảnh sát và tấn công tài sản của người khác” ở Paris, Lyon và Nantes.

Nước Pháp đã quay cuồng với các cuộc biểu tình lớn trong vài tháng, bắt nguồn từ kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính quốc gia. Macron đã ký cải cách thành luật vào tháng 4 sau khi viện dẫn các quyền hiến định đặc biệt để bỏ qua Quốc hội, hạ viện của quốc hội Pháp, mà không cần bỏ phiếu.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ