Ngày 2/5, hãng tin Bloomberg cho biết, bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm giảm doanh thu của Moscow, Nga có thể sẽ tiếp tục mua ngoại tệ để dự trữ.
"Theo Bloomberg Economics, vì doanh thu năng lượng của Nga hiện gần vượt quá mức mục tiêu, nên họ có thể mua ngoại tệ sớm nhất là vào tháng 5. Khối lượng Nga mua ban đầu có thể tương đương khoảng 200 triệu USD bằng nhân dân tệ mỗi tháng" - bài báo viết.
Theo các tác giả của bài báo, đồng tiền Trung Quốc là tài sản chính mà Nga có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch cho quỹ tài sản của mình với số tiền 154 tỷ USD.
"Điều quan trọng đối với thị trường là nhà Nga sẽ lại bắt đầu tích lũy dự trữ chứ không chi tiêu chúng. Điều này thậm chí có thể có tác động tích cực đến đồng rúp" - nhà phân tích Natalia Milchakova tại Freedom Holding Corp cho biết trong bài báo.
Theo nhà kinh tế Alexander Isakov, quyết định này sẽ nhấn mạnh khả năng duy trì dòng đô la dầu mỏ của Nga trong bối cảnh bị trừng phạt.
Ông Isakov cho biết trong một cuộc phỏng vấn, khối lượng mua ngoại tệ ban đầu sẽ nhỏ, nhưng rất tượng trưng, vì chúng sẽ cho thấy Nga sẽ tăng lượng ngoại tệ dự trữ, thay vì sử dụng hết.
Vào tháng 2, Ngân hàng Trung ương Nga công bố đánh giá về rủi ro của thị trường tài chính. Trong đó cho thấy tổng khối lượng giao dịch hàng tháng trên thị trường ngoại hối Nga trong tháng 1 lên tới 5,4 nghìn tỷ rúp và "là mức thấp nhất trong những năm gần đây".
Đồng thời, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày, không kể ngày lễ, giảm từ 405,6 tỷ trong tháng 12 xuống còn 307,2 tỷ rúp trong tháng 1.
Kể từ tháng 1, sau gần một năm tạm nghỉ, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định nối lại hoạt động mua và bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước trong nỗ lực thực hiện cơ chế điều tiết ngân sách của Bộ Tài chính Nga. Trái ngược với thông lệ trước đây, các hoạt động như vậy bắt đầu được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chứ không phải bằng tiền phương Tây.