Các nhà khoa học tìm thấy hơn 100 bạch tuộc mẹ cùng trứng nằm tập trung ở độ sâu khoảng 3 km dưới vùng biển ngoài khơi Costa Rica. Họ tình cờ phát hiện đàn bạch tuộc khi thám hiểm Dorado Outcrop, bãi đá dưới đáy biển hình thành từ núi lửa, bằng thiết bị không người lái.
"Lần đầu nhìn ảnh chụp tôi đã nghĩ chúng đáng lẽ không thể ở đó, không phải với độ sâu này và số lượng lớn như vậy", Janet Voight, nhà động vật học tại Bảo tàng Field, Chicago, chia sẻ.
Đàn bạch tuộc có màu hơi hồng, là một loài mới thuộc chi Muusoctopus. Chúng tập trung quanh các kẽ nứt, nơi nước ấm chảy ra. Việc bạch tuộc đến gần nơi có nhiệt độ cao khiến Voight kinh ngạc.
"Thật bất hợp lý khi bạch tuộc sống ở biển sâu lại ấp trứng trong nước ấm như vậy, đó là tự sát. Tiếp xúc với nhiệt độ cao kích thích sự trao đổi chất, khiến chúng cần nhiều oxy hơn mức nước ấm có thể cung cấp. Đây không phải nơi lý tưởng để gia đình bạch tuộc hình thành", đại diện Bảo tàng Field cho biết. Các nhà khoa học đếm được ít nhất 186 quả trứng, nhưng chưa quả nào có dấu hiệu bắt đầu phát triển phôi thai.
Việc tìm thấy số lượng lớn bạch tuộc chỉ ra, có thể gần đó có môi trường phù hợp để chúng sinh sống. "Bạch tuộc cái cả đời chỉ đẻ một lứa trứng. Để quần thể lớn này tiếp tục được duy trì, phải còn nhiều bạch tuộc hơn thay thế số trứng và những con mẹ sắp chết mà chúng tôi thấy", Voight nhận xét.
Voight cùng hai nhà khoa học Geoff Wheat và Anne Hartwell chia sẻ hình ảnh đàn bạch tuộc mẹ với các chuyên gia về sinh vật biển sâu. Họ hy vọng tiếp tục nghiên cứu hành vi kỳ lạ này và thu được nhiều phát hiện thú vị.
"Trọng tâm của chuyến thám hiểm Dorado Outcrop là nghiên cứu hệ thống thủy nhiệt. Trong lúc đó chúng tôi tình cờ phát hiện đàn bạch tuộc đang ấp trứng. Đây là hệ thống thủy nhiệt thứ ba dạng này được lấy mẫu và vẫn còn hàng triệu môi trường tương tự dưới biển sâu", Wheat cho biết.