Lớp tập huấn diễn ra trong 2 ngày với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện các Sở GD&ĐT cùng các giáo viên làm công tác xã hội trong trường học với 200 người tham dự trực tiếp và khoảng hơn 10.000 người tham dự trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công tác xã hội là một ngành khoa học hướng vào việc trợ giúp cho cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội, nâng cao năng lực để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Công tác xã hội đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ xã hội. Tại Việt Nam, đi cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, cần sự can thiệp hỗ trợ của công tác xã hội.
Các học viên tham dự trực tiếp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội |
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác xã hội, đặc biệt có Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học nhằm hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành kế hoạch phát triển Công tác xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025 với 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tiếp tục phát triển công tác xã hội trong ngành Giáo dục.
Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Trung ương Đoàn và các bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để triển khai công tác xã hội trong trường học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Thông tư 33; truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội trường học.
Báo cáo viên trình bày bài giảng |
Thực tiễn gần 4 năm triển khai, Thông tư 33 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những hạn chế như: Kết quả triển khai công tác xã hội vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội.
Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn, quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình... Chính vì vậy, việc tập chuyên môn, huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội trường học trong các cơ sở giáo dục là hết sức cần thiết.
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông trong cả nước về vai trò của công tác xã hội trong hỗ trợ cho học sinh. Đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản về quy trình, nguyên tắc, kỹ năng của công tác xã hội trường học trong hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các nhóm trẻ em yếu thế, hướng dẫn thực hành các kỹ năng công tác xã hội, các bước triển khai công tác xã hội trong trường học.