Hôm nay, xử phúc thẩm vụ ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên

Sáng 18/9, TAND Cấp cao xem xét đơn kháng cáo xin đoàn tụ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và yêu cầu chia lại tài sản của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.
Vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bà Diệp Thảo (46 tuổi) là nguyên đơn, có hai người đại diện là ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và Hoàng Anh Tuấn; 5 luật sư bảo vệ là Lê Thành Kính, Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Thị Hồng Trang, Phạm Công Hùng và Lê Thị Kim Liên.

Đại diện cho bị đơn - ông Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên) là bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và luật sư Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông là các luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Minh Tâm.

Bà Thảo và ông Vũ có 4 con. Năm 2015, bà đơn phương ly hôn vì vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bà đề nghị nuôi tất cả con, ông Vũ cấp dưỡng. Riêng về tài sản chung là tiền vàng ngoại tệ tại ngân hàng bà yêu cầu không đưa vào giải quyết trong vụ án.

Còn cổ phần tại các công ty, bà đề nghị hưởng 51% (ước tính 2.114 tỷ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn...

Phía ông Vũ đề nghị tòa tuyên được hưởng 70% tài sản tại các ngân hàng cũng như giá trị cổ phần tại tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại.

TAND TP HCM mở 10 phiên hòa giải nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. Hồi cuối tháng 3 xử sơ thẩm, toà chấp nhận cho vợ chồng bà Thảo ly hôn, ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với tài sản còn lại, HĐXX tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo HĐXX, ông Vũ "có công lớn hơn" và việc giao công ty cho ông Vũ điều hành là có tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng tại tòa bà đã nhiều lần tuyên bố ý chí rút đơn khi được HĐXX và VKS hỏi nhưng tòa vẫn tiếp tục xử và cho ly hôn là "cưỡng ép", không cho gia đình bà được đoàn tụ. Việc tòa buộc bà phải giao toàn bộ cổ phần mình sở hữu cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền là tước đoạt quyền sở hữu của một cổ đông lớn đối với số cổ phần và phần vốn góp trong tập đoàn.

Bà Thảo cũng nói tòa sơ thẩm còn có nhiều vi phạm tố tụng, thiên vị ông Vũ khi đánh giá ông có công sức đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản chung... Từ các lý do trên, bà đề nghị toà phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm.

Còn phía ông Vũ kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%. VKS cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.

Phiên phúc thẩm dự kiến kéo dài trong nhiều ngày.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên luôn hết lòng tận tụy với các em học sinh.

Cô giáo 'ươm mầm' tri thức trên non cao

GD&TĐ - Bằng sự tận tâm và lòng nhiệt huyết, Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT vùng biên huyện Mường Nhé (Điện Biên).

TP Vĩnh Yên tổ chức chương trình tri ân các nhà giáo.

Thành phố Vĩnh Yên tri ân các nhà giáo

GD&TĐ - Sáng 16/11, Phòng GD&ĐT TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức chuỗi hoạt động thi đua chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)