Theo thông tin từ Học viện Quân y cho biết, đến thời điểm này, đã có khoảng 300 người tình nguyện tham gia đăng ký thử nghiệm vaccine Covid-19. Ngày 16/12, đơn vị thực hiện thử nghiệm đã tổ chức khám sàng lọc cho các đối tượng tình nguyện viên. Sáng 17/12, tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y), 3 người Việt Nam đầu tiên đã được triển khai tiêm vắc xin Nano Covax.
Dự kiến, từ chiều 20/12, các tình nguyện viên có thể về nhà, hoặc có thể tiếp tục ở lại Học viện Quân y thêm 1-2 ngày để theo dõi, tùy theo nguyện vọng.
Cũng theo kế hoạch sự kiến hôm nay 21/12, Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 57 tình nguyện viên còn lại tham gia giai đoạn 1 (độ tuổi 18-50). Tại Việt Nam có 4 đơn vị đang phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó Nanogen là đơn vị đầu tiên tiến đến bước thử nghiệm vắc xin trên người. Vaccine Nano Covax ngừa COVID-19 là vaccine đầu tiên của Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người.
Trên tinh thần đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ quy trình khoa học, Bộ Y tế tạo điều kiện tối đa rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường.
Vắc xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất sẽ trải qua 3 giai đoạn tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn 1 tiêm cho khoảng 60 người, giai đoạn 2 có khoảng 400-600 người tham gia. Giai đoạn 3, phải cần ít nhất 3.000 người, có thể mở rộng diện tham gia ra tới 30.000 người, nghiên cứu đa trung tâm, đa vùng.
Theo đại diện Nanogen, việc tiêm vắc xin thử nghiệm có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Phản ứng sau khi tiêm có thể là xuất hiện quầng đỏ, sưng, mảng cứng hoặc nhiễm trùng tại chỗ tiêm. Bên cạnh đó, người được tiêm cũng có thể bị sốt, đau cơ hay buồn nôn... Có 10 tổ chuyên môn gồm cấp cứu, an toàn tiêm chủng, dược… để sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm.
Công ty Nanogen và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ký hợp đồng bảo hiểm cho chương trình thử nghiệm vắc-xin Nano Covax trước khi chính thức tiêm ngừa trên người tình nguyện. Chương trình bảo hiểm này kéo dài trong suốt 3 giai đoạn thử nghiệm vắc-xin với số tiền bảo hiểm 20 tỉ đồng, trong đó quyền lợi tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng.
Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tai biến vắc-xin và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người tình nguyện do quá trình thử nghiệm vắc-xin, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm thanh toán, bồi thường các chi phí.
Về việc hỗ trợ chi phí cho người tham gia tình nguyện thử vắc-xin Covid-19, nhóm nghiên cứu sẽ chi trả những khoản hợp lý như đi lại, ăn nghỉ... và chỉ hỗ trợ chi phí cho đối tượng đủ điều kiện tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin.
Được biết, sau thử nghiệm giai đoạn 1 tại Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 và 3 của thử nghiệm.
Chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã nghe lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo về tiến độ thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 Nano Covax.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc triển khai các giai đoạn thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 phải được tiếp tục với tinh thần tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, an toàn nhưng phải khẩn trương. "Nếu thử nghiệm thành công đây không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học sức khỏe hay của ngành y tế mà thực sự là một công cụ phòng chống dịch hữu hiệu".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Vắc xin vẫn là câu chuyện của tương lai. Ngay bây giờ chúng ta vẫn phải hết sức chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm từ trước đến nay. Với sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và xã hội, của cả lực lượng y tế và các lực lượng chức năng, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng, Nhà nước chính quyền các cấp đến bây giờ, chúng ta có một thành quả chống dịch rất tốt. Trước hết phải duy trì tiếp và bảo vệ thành quả này.