Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Để thực thi các chỉ tiêu trong mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, đòi hỏi ngành Giáo dục của nhiều quốc gia phải có sự đổi mới toàn diện trong quản lý.
Việc chi tiêu cho giáo dục, trong đó có ngân sách Nhà nước và cách thức phân bổ nguồn lực trong hệ thống giáo dục là một phần không thể thiếu trong việc lập kế hoạch.
Thứ trưởng khẳng định: Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc tổng hợp, xử lý và báo cáo số liệu tài chính giáo dục hàng năm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do phân cấp và tự chủ tài chính vẫn còn nhiều hạn chế, còn tạo ra sự chia cắt không cần thiết; vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính giải trình trong quản lý của đơn vị cơ sở vẫn còn nhiều bất cập.
Năng lực quản lý của người được giao nhiệm vụ còn hạn chế, cơ chế của việc kiểm tra, giám sát chưa phù hợp, chưa hiệu quả.
Do vậy, Hội thảo lần này là một cơ hội tốt để các cán bộ, công chức của Việt Nam được đào tạo, học hỏi về cách thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu tài chính.
"Bộ GD&ĐT tin rằng, sau Hội thảo này tất cả các quý đại biểu sẽ tích lũy được các kiến thức hữu ích phục vụ cho công tác thu thập, xử lý số liệu tài chính của quốc gia mình, cũng như các vị đại biểu sẽ có những ngày thật ý nghĩa tại đất nước Việt Nam của chúng tôi" - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Việt Nam rất vui mừng được là một trong những nước tham dự Hội thảo quốc tế về thu thập và xử lý số liệu chi tiêu cho giáo dục. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong muốn được giao lưu, tìm hiểu thêm về nền giáo dục của nước bạn, được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý tổng hợp số liệu tài chính nói chung và số liệu tài chính giáo dục nói riêng"
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng