Tại hội thảo, các vấn đề về cải cách GDĐH, quản trị ĐH và những bài học kinh nghiệm về cải cách GDĐH trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu….đã được các đại biểu phân tích và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
TS. Ju-Ho Lee - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc - chia sẻ "chìa khóa" trọng tâm, mấu chốt giúp nền GDĐH Hàn Quốc phát triển nhanh chóng.
Trong đó, TS Lee đặc biệt lưu ý hiện tượng bong bóng trong phát triển GDĐH và dư thừa giáo dục khi khối lượng giáo dục không đáp ứng thị trường lao động.
Hiện tượng tăng đều đặn chi cho giáo dục nhưng không dẫn đến việc tăng nguồn vốn đầu tư cho con người hay “độ vênh” của thị trường lao động với cán cân đào tạo, sự phân tầng, phân hóa trong hệ thống GDĐH cũng như tỉ lệ thất nghiệp… chính là những vấn đề mà bất cứ một nền GDĐH đang trong giai đoạn phát triển nào cũng cần phải rút kinh nghiệm.
GS. Morshidi Sirat - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Malaysiad đưa ra những phân tích xoay quanh bài học thành công trong cải cách GDĐH trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Theo ông, để đổi mới và phát triển GDĐH trong bối cảnh trên cần phải lựa chọn mô hình quản trị và cấp vốn hiệu quả hơn. Tăng cường hệ thống sáng tạo quốc gia thông qua liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, trang bị cho sinh viên công vụ cần thiết đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế dựa trên tri thức.
Đặc biệt, tập trung vào việc nâng cao chương trình giảng dạy, quản lý khoa học, nâng chất đội ngũ GV, qúa trình quản lý khoa và sinh viên.
Trong đó, các vấn đề điển hình như: Mở rộng tiếp cận và tăng cường bình đẳng, tăng cường quốc tế hóa, hình thành văn hóa học tập suốt đời, tăng cường tạo nguồn vốn cho con người; nâng cao sáng tạo và sáng kiến trong GDĐH, tạo hệ thống sinh thái giáo dục thuận lợi hơn; tận dụng quá trình toàn cầu hóa và nâng cao năng lực lãnh đạo chuyển đổi… là những vấn đề cần lưu tâm để phát triển hệ thống GDĐH trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.