Hội thảo quốc gia về công nhận văn bằng giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 28/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia về công nhận văn bằng giáo dục đại học. Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài, các tổ chức kiểm định và các trường đại học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Hội thảo này được tổ chức cũng là cơ hội để Việt Nam sớm đưa ra kế hoạch phê duyệt và thực hiện “Công ước Tokyo 2011”, và cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các quốc gia. Tự động hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với sự gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới đã đặt giáo dục đại học của thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng trước thách thức phải đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo để đào tạo thế hệ sinh viên mới thích nghi với môi trường công việc đang thay đổi sâu sắc. Trước sự đa dạng này, vấn đề đảm bảo chất lượng và công nhận văn bằng, kết quả học tập giáo dục đại học đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nhằm tạo hành lang pháp lý để giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học hội nhập với khu vực và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và Khung trình độ quốc gia Việt Nam (viết tắt là VQF). Mục tiêu của việc ban hành Khung trình độ quốc gia là thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Cho đến nay Việt Nam đã ban hành các qui định về công nhận văn bằng do các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam dựa trên một số tiêu chí đảm bảo chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký kết nghị định thư công nhận tương đương văn bằng với một số nước và đang đàm phán để ký kết văn kiện tương tự với một số quốc gia khác. Điều lệ trường Đại học cũng cho phép các trường ĐH Việt Nam mở rộng hợp tác với các trường ĐH thế giới để công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng và công nhận văn bằng lẫn nhau để tạo thuận lợi cho người học trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hội thảo quốc gia về công nhận văn bằng giáo dục đại học ảnh 1
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và bài học từ chính nước của mình với Việt Nam.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hội thảo lần này hướng tới 5 mục tiêu như nâng cao nhận thức và hiểu biết của xã hội về công nhận văn bằng giáo dục đại học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học ngày càng được đẩy mạnh.

Việc phê chuẩn Công ước sẽ giúp cho việc công nhận văn bằng ở Việt Nam ngày càng đi vào nề nếp theo những quy định chung mang tính quốc tế. Hội thảo cũng là cơ hội để làm rõ mối liên hệ giữa Công nhận văn bằng, đảm bảo chất lượng và Khung trình độ quốc gia; cũng như phân tích những tác động của chúng vào việc dịch chuyển sinh viên và người lao động giữa các quốc gia;

Hội thảo cũng sẽ làm rõ sự cần thiết, vai trò của Trung tâm thông tin về công nhận văn bằng giáo dục đại học và Hội thảo lần này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể tham gia sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học.

Dưới sự chủ trì của UNESCO, Hội nghị quốc tế được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản vào tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung cho Công ước năm 1983 về công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học ở Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là Công ước Tokyo 2011).

Việc công nhận văn bằng giáo dục đại học là vấn đề mang tính toàn cầu, là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì thế sự vào cuộc của một tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu để hỗ trợ cho các quốc gia thành viên xử lý tốt vấn đề này rất được hoan nghênh. Trong những năm qua, UNESCO đã đi tiên phong và là đầu mối để hỗ trợ 06 công ước về công nhận văn bằng tại 06 Khu vực và tiến tới Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học Toàn cầu.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ