Hội thảo khoa học về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghiên cứu được công bố cho thấy chiến lược ứng phó của nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua là không hiệu quả.

Hội thảo khoa học về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế

Ngày 9/6, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần (MHRS), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM tổ chức hội thảo khoa học chủ đề Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách cho TPHCM.

Các nhà quản lý, bác sĩ, chuyên gia về y tế, chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu, công tác xã hội đã trao đổi nhiều ý kiến quan trọng về vấn đề này.

TS Lê Minh Công – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MHRS

TS Lê Minh Công – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MHRS

Nghiên cứu của TS Lê Minh Công – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM cùng các cộng sự, vào thời điểm khảo sát từ tháng 4 – 8/2022, cho thấy sau hơn 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, 44,5% nhân viên y tế tự đánh giá có các triệu chứng trầm cảm từ nhẹ đến rất nặng; 51,7% có các triệu chứng lo âu từ nhẹ đến rất nặng; 30,3% gặp các vấn đề liên quan đến stress từ nhẹ đến rất nặng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, khi gặp vấn đề sức khỏe tâm thần trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhân viên y tế tại TPHCM sử dụng một số chiến lược ứng phó mang tính tập thể như: chấp nhận, điều chỉnh và nhìn vào mặt tích cực; tìm hỗ trợ từ gia đình; tìm hỗ trợ từ tôn giáo, tâm linh; né tránh, thờ ơ; kìm nén cảm xúc.

Tuy nhiên, những cách ứng phó này không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Nhóm nghiên cứu lý giải nguyên nhân có thể do nhân viên y tế đã trải qua thời điểm khó khăn nhất trong công tác chống dịch nên các kiểu ứng phó nói trên đã không còn hiệu quả.

BS Nguyễn Thế Dũng - nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MHRS

BS Nguyễn Thế Dũng - nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MHRS

TS Đỗ Thị Hà – giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đề xuất cần thiết lập một hệ thống chuyên gia tâm lý giúp đỡ cho nhân viên y tế; hình thành tổng đài tư vấn sức khỏe tâm lý miễn phí cho nhân viên y tế bên cạnh việc cải thiện thu nhập và môi trường làm việc cho nhân viên y tế.

Các chuyên gia thống nhất cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa, cần có thêm những nghiên cứu sâu rộng hơn để đánh giá thực trạng, làm cơ sở khoa học cho các chính sách cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ