Hồi sinh thực vật trong băng hà: Lợi hại song hành

GD&TĐ - Từ việc hồi sinh loài thực vật sống cách nay 400 năm, các nhà khoa học đã nhìn thấy những triển vọng to lớn trong ngành sinh vật học. Tuy nhiên, từ đây những mối lo cũng xuất hiện.

Nhà khoa học Catherine LaFarge trong chuyến khảo sát thực địa.
Ảnh: Folio.
Nhà khoa học Catherine LaFarge trong chuyến khảo sát thực địa. Ảnh: Folio.

Loài rêu phi thường

Trong khi đến thăm đảo Ellesmere ở Bắc Cực, thuộc Canada, các nhà khoa học được dẫn đầu bởi Catherine LaFarge (nhà địa chất học thuộc ĐH

Alberta ở Edmonton (Canada)) vô cùng ngạc nhiên trước một hiện tượng thú vị. Họ khám phá một khu vực có tên là Sverdrup Pass, mà cho đến gần đây vẫn còn bị băng bao phủ.

Trên vùng đất mới được phơi lộ ra do băng tan, các nhà khoa học tìm thấy một bụi rêu đã chuyển sang màu nâu hoặc đen. Nhưng trong số loài thực vật đã chết này xuất hiện một số đốm xanh, cho thấy quá trình tái sinh và tái phát triển bắt đầu diễn ra, như không hề bị ảnh hưởng bởi băng giá.

Nhà khoa học LaFarge xác định loài rêu này là bryophytes, dạng thực vật có khả năng phục hồi cực nhanh, từng có mặt trên Trái đất từ rất lâu. Chúng góp phần quan trọng vào sự hình thành và duy trì các hệ sinh thái vùng cực.

Ngay từ đầu, chúng đã đủ mạnh mẽ để sống sót trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và trước xu hướng ấm lên làm tan băng khiến chúng lại được tiếp xúc với khí trời, bắt đầu quá trình hồi sinh. Khi được các nhà khoa học Canada phát hiện, chúng phơi bày khỏi lớp băng đã 2 năm.

Các nhà khoa học lấy những mẫu bryophytes mang về phòng thí nghiệm và bằng các phương pháp carbon phóng xạ, họ biết loài rêu này có niên đại khoảng 400 năm.

LaFarge và nhóm của bà đã cắt đám rêu thành từng khóm nhỏ và đặt chúng vào môi trường được kiểm soát, nơi mà điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ và dưỡng chất lý tưởng cho sự phát triển của thực vật.

Cuối cùng, 7 trong số 24 mẫu nảy mầm thành cây mới, tất cả đều đầy sức sống. LaFarge giải thích: Rêu mới không phát triển từ hạt hay bào tử, mà từ các tế bào thực vật riêng lẻ, có thể tạo ra những bản sao trực tiếpcủa chúng. Đặc tính độc nhất vô nhị này góp phần vào khả năng tái tạo nhanh chóng và mạnh mẽ của rêu, ngay cả khi chúng bị kẹt trong môi trường đông lạnh dưới băng suốt 4 thế kỷ.

Khám phá quan trọng này đã thúc đẩy các nhà sinh vật học xét lại quan điểm của họ về khả năng sự sống tồn tại trong những điều kiện băng giá.

Không chỉ các nhà khoa học Canada phát hiện ra loài thực vật độc đáo này. Năm 2014, chỉ một năm sau khi đảo Ellesmere được khám phá, các nhà khoa học Anh cũng thu được những mẫu rêu từ bên trong một khối băng ở lãnh nguyên Nam Cực. Dùng carbon phóng xạ, họ phát hiện loài rêu này có niên đại khoảng 1.500 năm.

Mặc dù chìm trong băng giá cực kỳ ở đại lục lạnh nhất trên Trái đất, những mẫu rêu trên vẫn không mất khả năng tái sinh khi được đặt trong điều kiện ánh sáng, nước và dưỡng chất phù hợp. 

"Thí nghiệm này cho thấy, các sinh vật đa bào, trong trường hợp này là thực vật, có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài hơn là chúng ta nghĩ”, GS Peter Convey, một trong những nhà khoa học hàng đầu có liên quan đến cuộc nghiên cứu này, cho biết đồng thời nhấn mạnh: “Loài rêu này, một bộ phận quan trọng của hệ sinh thái, có thể tồn tại từ thế kỷ đến thiên niên kỷ trong thời kỳ băng hà.

Đây là một phát hiện quan trọng trong quá trình nghiên cứu về sự sống, khiến người ta đặt vấn đề về các dạng sống phức tạp khác đang nằm trong những lớp băng vĩnh cửu và sẽ tái sinh khi được đưa ra ánh sáng”.

Nguy hiểm tiềm tàng

Một trong 7 mẫu rêu dưới băng 400 năm hồi sinh trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Smithsonianmag.
Một trong 7 mẫu rêu dưới băng 400 năm hồi sinh trong phòng
thí nghiệm. Ảnh: Smithsonianmag.

Mặc dù, rêu là loài thực vật vô hại, nhưng hiện tượng hồi sinh của chúng khiến nhiều người lo ngại. Ai dám chắc dưới lớp băng hà kia không có những dạng sự sống trong thời đại khác đang chờ ngày ngoi ra ánh sáng.

Một số trong những dạng sống này có thể là mối đe dọa đối với sức khỏe và sự an toàn của loài người.

Nỗi sợ hãi thực sự là các nhà khoa học có thể kích hoạt nhầm các virus hoặc vi khuẩn không hoạt động trong một thời gian dài, loại mà con người không có khả năng chống lại. Khi hoạt động của con người tiếp tục làm Trái đất ấm lên, sự tan băng của vùng lãnh nguyên ở Siberia và sự mất dần các sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực có thể giải phóng và kích hoạt lại các vi sinh vật có khả năng gây chết người.

Nếu một kịch bản như vậy xảy ra, chúng ta có thể phải đối mặt với những mối nguy hiểm, thậm chí còn hơn cả các thây ma Đức Quốc xã hay những quái nhân ngoài hành tinh mà phim ảnh cảnh báo.

Khả năng của một thảm kịch như vậy không phải là viễn tưởng. Vào năm 2014, các nhà khoa học Pháp đã hồi sinh một loại virus cổ xưa được tìm thấy đông lạnh trong một mẫu đất nằm sâu 30 mét dưới lãnh nguyên băng giá của miền Đông Siberia.

Được đặt tên là Pithovirus Sibericum, loại virus này lớn và phức tạp hơn nhiều so với các loại virus chúng ta thấy ngày nay. May mắn là chúng vô hại với con người. Nhưng những chủng loại tiếp theo thì như thế nào? Chưa ai dám chắc, chúng an toàn với con người.

Theo Ancient- origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ