Đại hội lần thứ hai Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ được tiến hành trong hai ngày 2 – 3/7/2016 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thụy Khuê – Hà Nội.
Đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì cuộc họp có GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch; bà Lê Thị Khánh Vân - Trưởng Ban Đào tạo nâng cao năng lực; bà Nguyễn Thị Hồi - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada, Trưởng ban hợp tác quốc tế; nhà báo Phạm Mỵ - Phụ trách truyền thông.
Được biết, Hội Nữ trí thức Việt Nam hiện có 3 Hội Nữ trí thức thành viên (Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) và 19 Chi hội trực thuộc với tổng số hội viên lên đến 2.706 người, đa dạng về ngành nghề.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã chủ trì thực hiện thành công Dự án “Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo” với mục tiêu là hỗ trợ thương mại hóa các đề tài nghiên cứu của nhà khoa học nữ, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội; quảng bá các kết quả nghiên cứu của nữ trí thức để xã hội thấy được tiềm năng, đánh giá đúng khả năng của phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao vai trò của nữ trí thức trong xã hội, vươn tầm quốc tế…
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ kiện toàn tổ chức; phát triển Hội ở các tỉnh/thành, mở rộng phát triển những chi hội trực thuộc ở nước ngoài, kết nối nữ trí thức trong và ngoài nước; thành lập 1 trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hoạt động đối ngoại; đăng ký 2 đề tài nghiên cứu khoa học; phát triển bồi dưỡng, tôn vinh các nữ trí thức tài năng sáng tạo; phản biện các dự thảo văn bản luật, nghị định, thông tư… liên quan đến quyền lợi của phụ nữ…
Tâm đắc, tự hào nhìn lại những thành tựu mà các chị em trong Hội Nữ trí thức Việt Nam đạt được trong 5 năm qua, GS Phạm Thị Trân Châu chia sẻ: Những nội dung Hội Nữ trí thức đề xuất lên các cơ quan chức năng tưởng là nhỏ, nhưng đối với mỗi nữ trí thức lại mang sự động viên rất lớn.
Ví dụ như nếu thời gian nghiên cứu sinh thông thường là 3 năm, với nghiên cứu sinh là nữ, có 1 con thì đề xuất nghiên cứu đề tài trong 4 năm được coi là hoàn thành nhiệm vụ, không bị chậm tiến độ, chậm thời gian; nếu có 2 con thì thời gian nghiên cứu là 5 năm. Vừa chăm lo gia đình, vừa nghiên cứu khoa học mới thấy nỗ lực của các chị em là lớn như thế nào!
Và cũng với tinh thần vượt khó, dù còn vất vả về kinh phí nhưng Hội Nữ trí thức Việt Nam vẫn luôn nỗ lực nhiệt tình trong mỗi hoạt động, giữ vẹn tròn được tính cách, phẩm chất của những nữ trí thức Việt Nam đầy trí tuệ, tự trọng, trách nhiệm!
Tại buổi họp, các nhà báo dự họp bày tỏ mong muốn Hội Nữ trí thức Việt Nam tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, tạo “hành lang” cho các hội viên trẻ có cơ hội phát triển trong sự nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông để có thêm nhiều người biết về Hội, quảng bá các hoạt động bổ ích của Hội, thu hút thêm nhiều hội viên trẻ…
Nhà báo Nguyễn Thị Trâm - Phó Chi hội Nữ trí thức Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam – đề xuất lãnh đạo Hội Nữ trí thức cần là "gạch nối", tham vấn với các cơ quan nhà nước có chính sách để phát huy, tôn vinh và bảo vệ hội viên, đặc biệt là hội viên làm nghề báo - một nghề nguy hiểm.
Chân thành lắng nghe, tâm huyết trao đổi và tiếp thu những góp ý, các đại diện Hội Nữ trí thức Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng hơn trong công tác truyền thông, tăng cường thông tin các hoạt động của Hội theo tháng/quý, kết nối chặt chẽ với các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, Hội sẽ hướng tới việc hỗ trợ về biện pháp, về tinh thần, là “bệ đỡ” giúp các hội viên – nhất là hội viên trẻ” có điều kiện phát triển hơn nữa; tạo sự bình đẳng về cơ hội cho các nữ trí thức phát triển năng lực của mình.