Hội Nhà báo Việt Nam qua các kỳ đại hội

Hội Nhà báo Việt Nam qua các kỳ đại hội

Nhân Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra từ 10-12/8/2010, Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu sơ lược các kỳ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam:

Các thế hệ nhà báo tại Lễ khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia thành lập Hội nhà báo VN (ngày 20/4/2005)
Các thế hệ nhà báo tại Lễ khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia thành lập Hội nhà báo VN (ngày 20/4/2005)

Hội nghị trù bị:

Thực hiện chủ trương của Trung ương Ðảng và Tổng Bộ Việt Minh, tháng 3-1950, ông Xuân Thủy, phụ trách Ðoàn báo chí kháng chiến, tổ chức cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Ðại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Các đại biểu dự cuộc họp trù bị tại trụ sở của Báo Cứu quốc ở xóm Roòng Khoa, xã  Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã cử ra Ban chấp hành lâm thời do ông Xuân Thủy (Báo Cứu quốc) làm Hội trưởng. Các ông Ðỗ Ðức Dục (Báo Ðộc Lập), Hoàng Tùng (Báo Sự Thật) làm Phó Hội trưởng. Ông Nguyễn Thành Lê (Báo Ðộc Lập) làm Tổng Thư ký.

Ðại hội lần thứ nhất (1950)

Ngày 21-4-1950, tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là MTTQ Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Ðại hội thông qua Ðiều lệ, bầu Ban lãnh đạo gồm mười người, do ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Hội phó, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký và ông Phạm Văn Hải làm Phó Tổng Thư ký.

Ngày 2-6-1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị định số 233-NV/H chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội Những người viết báo Việt Nam.

Thời gian này Hội có 185 hội viên trong cả nước và đến cuối năm 1950 đã có 300 hội viên, được sinh hoạt trong các chi hội liên khu Việt Bắc và Nam Bộ.

Tháng 7-1950, hai nhà báo Trần Lâm và Thép Mới được cử đi dự Ðại hội của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki (Phần Lan). Tại Ðại hội, OIJ công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ.

Ðại hội lần thứ hai (1959)


Ðại hội lần thứ hai Hội Những người viết báo Việt Nam họp tại Câu lạc bộ Ðoàn kết (Hà Nội), có 220 đại biểu đại diện cho 700 nhà báo thuộc giới báo chí miền bắc, họp trong hai ngày 16 và 17-4-1959. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu. Ðại hội đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua điều lệ mới, bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó Chủ tịch; Ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Hội Nhà báo Việt Nam ở miền bắc hướng các hoạt động vào việc học tập nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, động viên hội viên thi đua sáng tạo các tác phẩm báo chí hướng vào công cuộc xây dựng XHCN ở miền bắc, đấu tranh thống nhất hai miền.

Ở miền nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, ngày 11-11-1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền nam Việt Nam được thành lập (có tài liệu ghi Hội thành lập ngày 10-1-1962). Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành do Nhà báo Vũ Tùng (tên thật là Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.

Ðại hội lần thứ ba(1962)


Từ ngày 7 đến 8-9-1962, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Ðại hội đại biểu lần thứ ba. 160 đại biểu thay mặt cho 757 hội viên đã về dự. Ðại hội được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Ðại hội bầu Ban Chấp hành gồm 29 người do ông Hoàng Tùng (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) làm Chủ tịch. Các ông Huỳnh Văn Tiểng (Ðài Tiếng nói Việt Nam), Phùng Bảo Thạch (Báo Thủ đô Hà Nội) làm Phó Chủ tịch. Ông Lưu Quý Kỳ (Báo Thống nhất) làm Tổng Thư ký; các ông Ngô Ðức Mậu (Báo ảnh Việt Nam) và Trần Minh Tước (Báo Thống nhất) làm Phó Tổng Thư ký.

Ngày 5-8-1964, Mỹ ném bom bắn phá miền bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại của chúng. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các nhà báo lên đường ra mặt trận. Nhiều nhà báo vào Nam bổ sung cho lực lượng báo chí miền nam. Hơn 400 nhà báo đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Thông tấn xã Việt Nam tổn thất nặng nề nhất với hơn 260 phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên hy sinh.

Ở miền nam, báo chí Cách mạng vượt qua bao khó khăn thiếu thốn và hy sinh gian khổ đã trở thành cầu nối giữa Cách mạng với nhân dân, giữa cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền nam với miền bắc XHCN và thế giới. Trong các đô thị dưới ách Mỹ ngụy, nhiều nhà báo yêu nước đấu tranh công khai thông qua các tờ báo xuất bản ở Sài Gòn cũng bị Mỹ ngụy bắt bớ, tù đày và tra tấn dã man.

Hội nghị thống nhất báo giới hai miền

30-4-1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày 7-7-1976, Ðoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội dẫn đầu và Ðoàn đại biểu Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền nam Việt Nam do ông Tân Ðức, Chủ tịch Hội (thay ông Vũ Tùng hy sinh năm 1965) dẫn đầu đã họp Hội nghị hợp nhất tại Hà Nội. Hội nghị quyết định lấy tên Hội là Hội Nhà báo Việt Nam, cử ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; các ông Tân Ðức và Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch; ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.

Ðại hội lần thứ tư (1983)

Từ ngày 8 đến 10-12-1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ tư đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. 170 đại biểu được bầu từ 130 chi hội và 200 đại biểu là các nhà báo lâu năm có nhiều cống hiến cho sự nghiệp báo chí Cách mạng đại diện cho 3.000 hội viên trong số 6.000 nhà báo đã dự Ðại hội.

Ðại hội đánh giá cả một chặng đường vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam và của Hội trong suốt 20 năm đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương (Tạp chí Cộng sản), Hồng Hà (Báo Nhân Dân), Trần Lâm (Ủy ban Phát thanh và Truyền hình), Trần Công Mân (Báo Quân đội nhân dân), Thanh Nho (Ðài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh), Ðào Tùng (Thông tấn xã Việt Nam). Ðại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký; ông Tô Hòa (Báo Sài Gòn giải phóng) và ông Phan Quang (Vụ Báo chí - Ban Tuyên huấn T.Ư) làm Phó Tổng Thư ký. Từ tháng 1-1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác T.Ư, Hội nghị Ban Chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.

Ðại hội lần thứ năm (1989)


Từ ngày 16 đến 18-10-1989, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ năm Hội Nhà báo Việt Nam, có 200 đại biểu tham dự. Ðại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội từ các Chi hội đến Liên chi hội, hội nhà báo các địa phương. Báo cáo chính trị tại Ðại hội dưới tiêu đề "Ðổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới của đất nước" đã đánh giá bước chuyển động tích cực của giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam từ Ðại hội lần thứ tư (1983 đến 1989), đề ra chương trình hành động cho nhiệm kỳ lần thứ năm.

Thời kỳ này Hội Nhà báo Việt Nam đã có hệ thống ba cấp: Trung ương Hội; Liên Chi hội và Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; Chi hội cơ sở. Hội đã có 6.200 hội viên sinh hoạt tại 32 hội nhà báo tỉnh, thành (trong số 44 tỉnh, thành); năm liên chi hội, 260 chi hội.

Ðại hội lần thứ năm đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang (Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam) làm Tổng Thư ký (nhiệm kỳ này không có chức Chủ tịch và các Phó Chủ tịch); các ông: Trần Công Mân (Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân), Hồ Xuân Sơn (Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới) làm Phó Tổng Thư ký. Ban Thư ký còn có sáu ủy viên khác.

Nhiệm kỳ lần thứ năm là nhiệm kỳ Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều hoạt động nổi bật và khởi sắc: Hội tổ chức Giải báo chí toàn quốc hằng năm, Hội Báo Xuân toàn quốc hằng năm, trao Huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam" cho các nhà báo lâu năm có nhiều đóng góp cho báo chí cách mạng, tổ chức nhiều hội thảo nghiệp vụ và tiến hành xây dựng "Quy ước tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam".

Ðại hội lần thứ sáu (1995)

Hội Nhà báo Việt Nam qua các kỳ đại hội ảnh 2

Từ ngày 8 đến 9-3-1995, Ðại hội lần thứ sáu Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Có 300 đại biểu tham dự. Ðại hội đã nhất trí thông qua bản "Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam". Ðại hội đã  bầu  Ban  Chấp  hành  gồm

35 ủy viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Ban Thư ký còn có sáu ủy viên khác. Ðến thời điểm này, Hội Nhà báo Việt Nam có 7.260 hội viên sinh hoạt tại 357 chi hội cơ sở trong đó có 124 chi hội trực thuộc T.Ư Hội, số còn lại là các chi hội thuộc năm liên chi hội và các hội tỉnh, thành phố.

Thời kỳ này, Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) rơi vào khủng hoảng. Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương mở  rộng  quan  hệ  với  các nhà báo trong Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN). Năm 1996, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).

Ðến cuối nhiệm kỳ này, Hội đã có các hội cấp tỉnh ở tất cả 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số Liên chi hội từ năm tăng lên bảy, số chi hội cơ sở là gần 400, trong đó có 150 chi hội trực thuộc T.Ư Hội. Cơ quan T.Ư Hội kiện toàn, gồm có các đơn vị trực thuộc: Văn phòng, Ban Công tác Hội, Ban Kiểm tra, Ban Nghiệp vụ, Nhà Văn hóa, Tạp chí Người làm báo, Báo Nhà báo và Công luận và Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí.

Ðại hội lần thứ bảy (2000)


Ðại hội lần thứ bảy Hội Nhà báo Việt Nam họp trong hai ngày 24 và 25-3-2000 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội với 326 đại biểu đại diện hơn 8.500 hội viên trong cả nước. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm chín người do ông Hồng Vinh (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh (Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam) làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Ðinh Phong (Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh) làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Hội nghị Ban Chấp hành họp ngày 16-7-2002 đã bầu ông Vũ Văn Hiền (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản), Ủy viên Thường vụ Hội, thay ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và bầu ông Phan Khắc Hải, Ủy viên Thường vụ giữ chức Phó Tổng Thư ký Thường trực.

Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2000), giới báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã được Ban Chấp hành T.Ư Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng "Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Trong thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2005, báo chí Việt Nam phát triển nhanh chóng. Hàng trăm tờ báo tăng kỳ phát hành từ mỗi tuần một đến hai kỳ thành báo ra hằng ngày. Số cơ quan báo chí tăng lên đến 550 với hơn 700 ấn phẩm. Sóng phát thanh và truyền hình đã phủ rộng cả nước, đạt hơn 90% diện phủ sóng phát thanh và 85% diện phủ sóng truyền hình. Cả nước có 50 đơn vị báo điện tử và nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét, 2.500 trang thông tin điện tử. Số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cũng tăng nhanh chóng, từ 8.300 lên 13 nghìn hội viên.

Ðại hội lần thứ tám (2005)


Ðại hội lần thứ tám Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến 13-8-2005 tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. 366 đại biểu chính thức đại diện cho 13 nghìn hội viên sinh hoạt tại 11 Liên chi hội, 64 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố và 159 Chi hội trực thuộc T.Ư Hội. Khẩu hiệu của Ðại hội là: "Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm chín ủy viên. Ông Ðinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân được bầu làm Chủ tịch. Ông Lê Quốc Trung, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam làm Phó Chủ tịch Thường trực. Ông Phạm Quốc Toàn, Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.

Ðại hội đã quyết nghị thay "Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam" bằng "Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam", sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010. (Các kết quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ lần thứ VIII sẽ được nêu trong Báo cáo Chính trị do Ban Chấp hành trình bày tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ chín). 

Tháng 4-1943, Tổ Văn hóa cứu quốc, bao gồm các văn nghệ sĩ, nhà báo, được thành lập tại Hà Nội. Ðây là tiền thân của Hội Văn hóa cứu quốc sau này.

Ngày 27-12-1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc (phố Hàng Trống), lập ra Ðoàn báo chí Việt Nam, tách khỏi Hội Văn hóa cứu quốc. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chủ bút Tạp chí Tri Tân được cử giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tổng Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền và ông Ðỗ Ðức Dục, phụ trách Báo Ðộc Lập, được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Thư ký.

Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Số đông nhà báo ra chiến khu và tỏa về các vùng nông thôn tham gia chiến đấu. Ðoàn báo chí Việt Nam hầu như không hoạt động được.

Ðầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của T.Ư Ðảng Cộng sản, ông Xuân Thủy đứng ra thành lập Ðoàn báo chí kháng chiến bao gồm tất cả các nhà báo trong Mặt trận Việt Minh do ông Xuân Thủy phụ trách. Ðoàn báo chí kháng chiến tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo, hướng báo chí vào việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến.

Tháng 4-1949, theo sáng kiến của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Lớp được tổ chức tại vùng rừng núi Ðại Từ, Thái Nguyên. Lớp được mở trong 3 tháng, từ 4-4 đến 6-7-1949. Hầu hết các học viên của lớp sau này đều đứng đầu các cơ quan báo chí của nước ta.

 Trung Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ