Hội nghị Trung ương 8 có nội dung nhân sự, Chiến lược biển Việt Nam

GD&TĐ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết, Hội nghị Trung ương 8 khai mạc ngày 2/10 tới đây có 5 nội dung chính, trong đó có nội dung về công tác nhân sự.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổng kết thực hiện 10 năm Chiến lược biển Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổng kết thực hiện 10 năm Chiến lược biển Việt Nam.

Sáng 28/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đây là lần đầu tiên tổ chức họp báo trước Hội nghị Trung ương, thể hiện nét đổi mới trong việc tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong các chương trình nghị sự của Đảng.

Chủ trì buổi họp báo, ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2 - 6/10 (dự kiến khai mạc vào sáng thứ Ba, ngày 2/10 và bế mạc vào thứ 7, ngày 6/10).

Hội nghị Trung ương 8 sẽ có các nội dung làm việc sau: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng; công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.

Ông Giang cho biết thêm, dự kiến tại Hội nghị này, Trung ương sẽ có kết luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019...

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc tại Hội nghị Trung ương 8 tới đây, có xem xét vấn đề kỷ luật cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương hay không?

Trả lời câu hỏi này, đồng chủ trì họp báo, ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương thì việc xem xét, kỷ luật đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng đều phải do Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến sẽ đưa vấn đề của đồng chí nguyên Bộ trưởng, nguyên Ủy viên Trung ương để Trung ương xem xét cho ý kiến, quyết định, cùng với các đồng chí có liên quan khác, ông Lê Quang Vĩnh cho biết.

Liên quan tới việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước theo Hiến pháp vẫn được thực hiện liên tục, bình thường với việc Bộ Chính trị phân công đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, giữ Quyền Chủ tịch nước (theo thông báo ngày 23/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước). Sự phân công này trên cơ sở quy định của Hiến pháp và các quy định của Đảng.

Ông Lê Quang Vĩnh nhấn mạnh: Việc Trung ương giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là việc hết sức hệ trọng của quốc gia và của Đảng, nên việc này cần thực hiện rất chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét quyết định giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị của các cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng, ông Lê Quang Vĩnh cho biết.

Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cũng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tổng kết thực hiện 10 năm Chiến lược biển Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau khi có Nghị quyết 09 của Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã tạo ra sự thay đổi hết sức căn bản về vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị của biển chúng ta.

Chỉ số GDP của các tỉnh ven biển, kinh tế xã hội và cuộc sống người dân ven biển, khu vực ven biển đã trở thành khu vực hết sức năng động, tạo động lực quan trong để đổi mới và phát triển. Trong vòng 10 năm qua, các vùng ven biển đã trở thành các trung tâm kinh tế và động lực phát triển kinh tế, tạo ra sức hút rất lớn về thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Chiến lược biển như một số chỉ tiêu đặt ra với ngành đóng tàu, khai thác dầu khí, hàng hải… không đạt được.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại này có nhiều, nhưng có nguyên nhân quan trọng là mô hình mà chúng ta kỳ vọng chưa phù hợp, nhiều vấn đề chúng ta duy ý chí, quá nóng vội. Vì vậy dẫn đến hậu quả như thất thoát, buông lỏng quản lý đối với các tập đoàn, thiệt hại kinh tế, chưa đạt mục tiêu mong muốn, chưa tạo ra được các ngành động lực phát triển.

Các chỉ tiêu về thuỷ hải sản phát triển rất tốt nhưng việc khai thác gần bờ đã chớm đến việc đánh bắt thủy sản quá mức, vượt quá khả năng cung ứng, cung cấp về thuỷ sản.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế, trong đó mô hình dựa vào khai thác tự nhiên, dựa vào tài nguyên là nguyên liệu hoá thạch cần phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, nhất là với kinh tế biển phải dựa trên sự bảo đảm hệ sinh thái biển, nhấn mạnh đến phát triển kinh tế biển xanh. Đồng thời phải chú trọng vào việc đầu tư phát triển, bảo tồn tài nguyên để phục vụ cho phát triển kinh tế, kết hợp với kinh tế tri thức, kinh tế dựa trên sự phát triển của công nghiệp 4.0 và xác định nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, nhấn mạnh đến các khâu đột phá liên quan đến thể chế, tạo ra nền tảng pháp lý, đổi mới toàn diện từ nhận thức đến hành động cụ thể. Tập trung vào khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định và đột phá đối với Chiến lược biển

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.