Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) và sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 - 2014

GD&TĐ - Sáng nay (13/2), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014 khối Sở GD&ĐT.

Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) và sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 - 2014

Hội nghị được truyền hình trực tiếp qua mạng tới tất cả các Sở GD&ĐT để các cán bộ, công chức, giáo viên có thể theo dõi.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trịnh Ngọc Thạch – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Lê Quốc Phong – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư.

Về phía Bộ GD&ĐT có các đồng chí: Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các Thứ trưởng: Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Quang Quý, Bùi Văn Ga; Trần Công Phong – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đại diện các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT); Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT các địa phương…

Toàn Ngành cơ bản hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình bày báo cáo tại Hội nghị

Sáng nay, Hội nghị  báo cáo và thảo luận kết quả học kỳ I, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013 – 2014; tình hình phổ cập giáo dục; công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày báo cáo sơ kết học kỳ I, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013 - 2014; tình hình phổ cập giáo dục; công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Đánh giá chung cho thấy toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm học kỳ I năm học 2013 - 2014. 

Trong tổ chức thực hiện, các Sở GD&ĐT luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, của tỉnh/thành phố về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013 - 2014; chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đẩy mạnh việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngành.

Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả giáo dục, phương pháp giảng dạy. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tích cực được áp dụng và nhân rộng; công tác giáo dục chất lượng tiếp tục được quan tâm; tích cực triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém

Hội nghị được truyền hình trực tiếp qua mạng tới tất cả các Sở GD&ĐT để các cán bộ, công chức, giáo viên có thể theo dõi.

Bên cạnh những ưu điểm, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong triển khai nhiệm vụ học kỳ I năm học 2013 - 2014.

Đó là công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý giáo dục theo Nghị định 115 của Chính phủ; việc quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa thật sự thiết thực, hiệu quả.

Việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là hệ thống thông tư để triển khai Luật viên chức;

Các tiêu cực trong giáo dục vẫn còn là vấn đề bức xúc xã hội. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục;

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chậm. Kinh phí các chương trình mục tiêu đầu tư cho giáo dục năm 2013 bị cắt giảm. Nhiều địa phương chịu ảnh hưởng các đợt bão, lũ, rét đậm đã gặp rất nhiều khó khăn;

Kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở một số tỉnh còn ít, không đáp ứng được yêu cầu;

Một số địa phương thiếu giáo viên so với định mức quy định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và mở rộng tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày.

Tâm huyết đóng góp cho đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá

Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị

Sáng nay, Hội nghị nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp, đề xuất ý tưởng từ đại diện các Sở GD&ĐT: Điện Biên, Kon Tum, Quảng  Nam, Hà Tĩnh, Nam Định, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa… cho Dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước mắt của Bộ GD&ĐT, tập trung vào các vấn đề: tỷ lệ miễn thi 20%; các môn thi tốt nghiệp THPT; thời gian tổ chức thi các môn... 

Các ý kiến đều nhất trí khẳng định đổi mới công tác thi cử, trong đó có thi tốt nghiệp THPT là vô cùng quan trọng, cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Về Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, đa số các đại biểu đồng tình với phương án thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Lý do: Với 4 môn thi sẽ giảm rất nhiều áp lực cho học sinh, giảm tốn kém trong đầu tư Nhà nước và sức lực giáo viên.

Với môn Ngoại ngữ, một số ý kiến đề xuất nên đưa thành môn tự chọn. Riêng Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh - Lê Hồng Sơn - đề nghị đưa Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong thi tốt nghiệp THPT.

Về tỷ lệ miễn thi, một số ý kiến đề nghị nên có quy định cụ thể về tiêu chí miễn thi để xác định học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất liên quan đến cách tính xếp loại tốt nghiệp, thời gian tổ chức thi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ