Đây là hội nghị thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju (Hàn Quốc) tháng 11/2016. Tham dự Hội nghị có đại diện của 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia.
Các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tìm hướng đi mới cho các hoạt động xây dựng hệ thống bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Hội nghị tập trung đặc biệt vào giáo dục chất lượng, liên kết cộng đồng và mối quan hệ của những vấn đề này với việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hội nghị cũng đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ hiệu quả vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu sẽ trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án bảo tồn di sản liên quan đến vai trò và tiềm năng của các tổ chức phi chính phủ.
Ngày 7/11, hội nghị sẽ bắt đầu với các cuộc thảo luận nhóm song song về giáo dục và cộng đồng. Các diễn giả sẽ có bài thuyết trình và các thảo luận chuyên sâu theo chủ đề.
Tại hội nghị, sẽ có phiên đặc biệt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Các tham luận sẽ đưa ra bài học về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (15 năm Công ước UNESCO 2003) với mô hình tiêu biểu “sức sống của Nhã nhạc sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Nhã nhạc cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam.
Phiên bế mạc, hội nghị sẽ công bố tài liệu tổng hợp kết quả thảo luận và đề xuất.