Hiến tặng hiện vật về Tín ngưỡng thờ mẫu

GD&TĐ - Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (sinh năm 1968) xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội đã hiến tặng Bảo tàng Hà Nội 140 hiện vật dùng trong các giá hầu đồng. Đây là những hiện vật về tín ngưỡng thờ mẫu có giá trị được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Cán bộ Bảo tàng Hà Nội khảo sát tại nhà ông Nguyễn Văn Tiệm
Cán bộ Bảo tàng Hà Nội khảo sát tại nhà ông Nguyễn Văn Tiệm

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 1/12/2016, “Tín ngưỡng thờ mẫu” trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đời sống hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm "hầu đồng" – hình thức diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng này.

Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ.

Hiện vật gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội

Hiện vật gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội

Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa.

Trước khi hầu đồng, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ càng, từ chọn ngày lành, tháng tốt; chọn nơi Đền, Phủ, Điện phù hợp; chọn bốn người hầu dâng; mời con nhang, đệ tử, quan khách, chuẩn bị lễ vật dâng cúng; trang phục, phụ kiện và không kém phần quan trọng là mời cung văn.

Hiện vật gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội

Hiện vật gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội

Hầu đồng có tất cả 36 vở diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền...

Có thể nói, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu uyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh. Nó không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang trọng, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.

Lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội

Gia đình cụ Nguyễn Thị Từng đã có 3 đời là mộc ân thanh đồng. Bố và mẹ của bà Nguyễn Thị Từng là mộc ân thanh đồng. Hai cụ có 5 người con gái đều có căn, có phủ. Năm 31 tuổi, bà Từng bắt đầu theo hầu thánh . Bà Từng có 3 người con trai thì chỉ có thầy Tiệm theo nghề của gia đình. Những năm gần đây bà giao hẳn phủ cho thầy Tiệm quản lý, duy trì cúng lễ.

Ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận hiện vật ban đầu tại gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm

Ông Nguyễn Tiến Đà- Giám đốc Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận hiện vật ban đầu tại gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm

Thầy Nguyễn Văn Tiệm sinh năm 1968. Gia đình thầy Tiệm được bà con lối xóm tin tưởng, quý trọng vì hay làm phúc và giúp đỡ người khó khăn. Thầy Tiệm hay đi tìm mua những tượng thờ bị đánh cắp, chuộc lại và trả về di tích.

Hiện nay gia đình bà  Từng còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý. Gia đình đã hiến tặng lại cho bảo tàng 140 hiện vật dùng trong các giá hầu đồng. Đây là những hiện vật có giá trị và phù hợp với nội dung trưng bày phần tín ngưỡng thờ Mẫu của Bảo tàng Hà Nội trong nội dung trưng bày thường xuyên sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...