Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Không phân biệt đối xử trong học tập

GD&TĐ - Sáng 4/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7; trong đó có dự án Luật GD (sửa đổi). Chủ trì Hội nghị có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ. Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ…

Toàn cảnh Hội nghị do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì. Ảnh: Quang Khánh
Toàn cảnh Hội nghị do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì. Ảnh: Quang Khánh

Giáo dục làm dịu đi xung đột

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Dự thảo Luật GD (sửa đổi) có ảnh hưởng và tác động rộng lớn trong xã hội, đã được thảo luận tại hai kỳ họp Quốc hội và tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước, nhiều nội dung cơ bản đã được thống nhất. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề như chương trình SGK GDPT, hoàn thiện hệ thống GD quốc dân theo hướng mở liên thông, chế độ chính sách và nhiệm vụ của nhà giáo và người học, đầu tư tài chính cho GD, vấn đề tự chủ cho các trường.

Góp ý vào 3 vấn đề của dự thảo Luật GD (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - đoàn Kon Tum trao đổi:

Nghị quyết 29 chỉ rõ, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát triển tốt nhất năng lực, phẩm chất của HS. Do đó cần bổ sung Khoản 2, Điều 7 theo hướng lấy người học là trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và Nghị quyết 29.

Theo đại biểu, GD gặp phải thách thức như: Thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực HS… mà chưa có cách khắc phục. Từ đó đại biểu đặt vấn đề, nhìn nhận căn nguyên và hành vi này phải chăng một phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên và trách nhiệm của gia đình, xã hội. Có thể gia đình chưa quản lý chặt chẽ và những hiện tượng xảy ra hàng ngày trong xã hội, những hành động, lời nói đã làm tổn thương đến lòng tôn kính của HS. Ngoài ra, đó là sự phân hóa giàu nghèo đã tạo ra những hệ quả khó kiểm soát như: Sự kỳ thị, bạo lực học đường…

Về vấn đề SGK, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, đối với môn Khoa học Tự nhiên nên có một hoặc nhiều SGK nhưng đối với môn Khoa học Xã hội thì nên thống nhất chung một bộ sách trong toàn quốc.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Văn Phương - đoàn Ninh Bình cho rằng, quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK là phù hợp. Bởi lẽ SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các thầy cô giáo và học sinh dùng khi tiếp cận chương trình GDPT. Quy định như trong dự thảo Luật sẽ tận dụng được chất xám của các nhà khoa học, các chuyên gia và các thầy cô giáo. Mặt khác, SGK vẫn phải biên soạn theo chương trình, không phải mỗi người soạn theo ý riêng của mình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Làm rõ 4 vấn đề

Phát biểu giải trình về 4 nhóm vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ:

Thứ nhất: Chương trình SGK. Vấn đề này đã được thảo luận rất kỹ ở Quốc hội khóa trước. Tại đây, các đại biểu đã thống nhất một chương trình có một số SGK.

Theo Bộ trưởng, đổi mới lần này khác với những lần trước. Đó là đổi mới rất căn bản, toàn diện. Trước hết là chương trình tổng thể. Chương trình bám rất sát vào mục tiêu, nội dung phương pháp. Từ chương trình tổng thể bắt đầu đi vào chương trình chi tiết từng môn học và xây dựng trên một nguyên tắc chuẩn đầu ra từng cấp học, từng môn và có sự nối tiếp với nhau giữa các cấp học và môn học. Chương trình GDPT là pháp lệnh và tất cả các trường phổ thông, các cơ sở GD trong toàn quốc sẽ dạy học theo chương trình này.

Việc tiếp theo là bảo đảm tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản, với kiến thức phân hóa của địa phương. Trong chương trình thiết kế là 80% nội dung khung là thống nhất toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Nhưng không phải địa phương muốn viết gì thì viết, mà phải dưới sự hướng dẫn của Bộ và được Bộ thống nhất thẩm định.

Về SGK. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, SGK là tài liệu cơ bản, quan trọng nhưng không phải là pháp lệnh. Nhưng người viết SGK phải bám sát vào khung chương trình và không phải mỗi người viết một kiểu. Ngoài ra, Bộ đã có thông tư hướng dẫn những người được viết SGK nên không phải ai muốn viết cũng được. Sau khi viết xong SGK theo đúng quy trình, quy định, Bộ thành lập Hội đồng thẩm định SGK quốc gia để xem xét được ban hành.

Theo Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT chủ động chỉ đạo viết, biên soạn một bộ SGK. Bộ sách này đều bình đẳng với các bộ SGK do tổ chức cá nhân biện soạn và được thẩm định dựa trên khung chương trình, chương trình SGK và Hội đồng quốc gia.

Việc này nhằm thu hút được nhiều người giỏi, có điều kiện tham gia vào quá trình làm SGK; quan trọng hơn là khuyến khích các giáo viên chủ động sáng tạo, thiết kế bài giảng, chương trình giảng. Tránh trường hợp giáo viên cứ dựa vào SGK như một tài liệu đóng khung, dẫn đến cứng nhắc, thầy dạy trò chép. Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đúng theo hướng đó.

Thứ hai: Giáo viên, người học. Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn; trong đó có nội dung về phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường GD thân thiện, lành mạnh nhưng nhận thức và tổ chức thực hiện là chưa nghiêm.

Về chuẩn nhà giáo, Bộ trưởng chia sẻ: Đã có quy định về chuẩn giáo viên; trong đó phẩm chất đào tạo, phẩm chất nghề nghiệp và xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình – cộng đồng được đánh giá rất cao. Còn về chuẩn ngoại ngữ, tin học, không phải tất cả các giáo viên đều phải có chứng chỉ. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên rất cần nhưng phải linh hoạt, phù hợp để đạt được đích đến, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên phấn đấu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Luật GD (sửa đổi) không thể đứng riêng, phải đứng trong tổng thể các luật chung, gắn bó với nhau. Có nhiều vấn đề chúng ta đã nói: Không chỉ riêng GD có hạn chế, tiêu cực, thậm chí bức xúc trong xã hội... Không phải do luật của chúng ta quy định chưa tốt mà do thực hiện chưa tốt. 

Thứ ba: GD hòa nhập. Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tổng kết 10 năm mô hình trường phổ thông bán trú, nội trú cho thấy có rất nhiều mặt được. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải mở rộng GD hòa nhập để làm sao các cháu dân tộc thiểu số có cơ hội, điều kiện hòa nhập với các cháu cùng trang lứa ở địa bàn. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để làm rõ về nội dung này.

Thứ tư: Tài chính trong GD. Dự thảo Luật cũng có nêu nhưng cũng làm rõ. Thực tế, ngân sách Nhà nước rất tạo điều kiện, rất cố gắng nhưng trong bối cảnh hiện nay không thể đáp ứng được với nhu cầu nâng cao chất lượng GD.

“Chúng tôi đề xuất và đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu. Một mặt, kiến nghị Nhà nước trước hết có trách nhiệm đối với GD đại trà, bồi dưỡng tài năng, vùng trũng khó khăn, miền núi hải đảo, đồng thời khuyến khích chất lượng GD ở trình độ cao và tăng cường xã hội hóa, nhằm góp phần giảm áp lực cho ngân sách địa phương” - Bộ trưởng nêu ý kiến.

Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Luật lần này tiến bộ khi bám theo xu thế thế giới, trong đó có xu thế không nhồi nhét, phải sáng tạo và tận dụng công nghệ mới. Tuy nhiên cần tập trung vào 3 nguyên tắc: Với GDPT, Nhà nước phải đảm bảo trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư để có trường lớp đủ giáo viên, HS học 2 buổi/ngày; bảo đảm tất cả các thành phần HS được hòa nhập; nhà trường là một thiết chế công cộng, việc quản trị nhà trường gồm có Nhà nước, Ban giám hiệu, đại diện HS và phụ huynh, cộng đồng dân cư trên địa bàn, đại diện quản trị tập thể của giáo viên trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ