Là cựu Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình, Thượng tá Vũ Viết Tự, hiện làm Luật sư tại Công ty Luật Dragon (Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm về việc có đưa tội danh này vào trong luật hay không.
Thưa ông, khi làm cảnh sát điều tra, ông đã bao giờ phá án liên quan đến hành vi “hối lộ tình dục” chưa?
- Là một cựu Cảnh sát Điều tra công an tỉnh, nhưng trên thực tế tôi chưa bao giờ làm án, phá án liên quan đến tội phạm về tham nhũng, hối lộ có dạng hành vi “hối lộ tình dục” này. Vì đây là loại tội phạm rất tinh vi khó phát hiện.
Tuy về mặt khái niệm còn mới mẻ ở nước ta nhưng hành vi "hối lộ tình dục" đã xuất hiện trong thực tế. Có những trường hợp báo chí đã phản ánh cụ thể, nhưng không khởi tố được vì chưa có quy định loại tội danh này trong Bộ luật Hình sự.
Nếu đưa hành vi “hối lộ tình dục” vào Bộ Luật hình sự, trước những thủ đoạn tinh vi như vậy, theo ông làm cách nào để phá án?
Theo tôi, nếu gặp loại tội phạm này có cách phá án như sau:
Loại tội phạm trên về mặt chủ thể là những người có chức quyền. Về mặt khách quan của tội phạm, ngoài hành vi hậu quả gây thiệt hại về vật chất thì cần xem xét đến yếu tố lợi ích tinh thần (phi vật chất).
Đây là loại tội phạm đòi hỏi phải có bằng chứng, nguyên tắc xử lý hình sự là trọng chứng hơn trọng cung. Vì vậy, cần phải xem xét có người đưa hối lộ thì mới có người nhận, dựa trên lợi ích người đưa hối lộ cho người có chức vụ quyền hạn để sinh lợi cho người đưa hối lộ.
Trên thực tế hành vi đưa “hối lộ tình dục” núp dưới nhiều hình thức rất tinh vi, đến mức khó mà định lượng được đó là tội phạm. Do đó, để đưa loại tội phạm này ra ánh sáng thì cần chú ý và căn cứ về loại tài sản vô hình và hữu hình và có nhiều mối lợi vật chất, tinh thần, tình cảm.
Điều này có nghĩa là một người có thể dùng tình cảm để hối lộ. Vì thế phải căn cứ vào mặt chủ thể và khách quan của tội phạm này: Giả sử đưa “tội hối lộ tình dục" vào Bộ Luật hình sự, nếu có hành vi quan hệ tình dục với một người có chức có quyền để đổi lấy một cơ hội (vật chất, phi vật chất) nào đó thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới này.
Trên cương vị luật sư, ông có đồng ý “pháp điển hóa” hành vi “hối lộ tình dục” không?
- Những chuyên gia tư pháp quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam cần sớm sửa đổi Bộ luật hình sự, bổ sung các hành vi đưa hối lộ và các cơ chế kiểm soát mới ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng.
Luật pháp Quốc tế rất rạch ròi giữa quà biếu và hối lộ về cả giá trị và hình thức, nhưng khi giá trị tài sản được đưa cho những người có quyền và nghĩa vụ thì quyền hạn về tài sản không còn nằm trong giới hạn khuôn khổ thể hiện tình cảm thì sẽ chuyển hóa thành tài sản hối lộ”.
Với cương vị là một luật sư tôi hoàn toàn đồng ý “pháp điển hóa” hành vi “hối lộ tình dục”. Theo tôi, lần sửa đổi bổ sung Luật hình sự lần này cần có khái niệm chung để xử lý hành vi trên.
Và quy định thành một tội danh độc lập, không đưa dạng hành vi này vào các tội danh tham nhũng, hối lộ. Nó sẽ tạo thành chế tài xử lý dễ hơn cho các cơ quan tố tụng.
Ông có ý kiến gì để góp ý cho Quốc hội về việc đưa hành vi này vào quy định của pháp luật?
- Theo quan điểm của tôi, tình dục cũng được xem như một loại ích phi vật chất đưa ra để hối lộ cho quan chức. Tình trạng này chắc chắn có ở Việt Nam. Cần luật hóa những điều này để có cơ sơ pháp lý.
Các nhà làm luật này sẽ phải đưa ra những quy định bao hàm không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Quy định của Bộ luât hình sự hiện hành chỉ cấu thành vật chất đối với tội phạm tham nhũng nên bắt buộc phải có hành vi thiệt hại về vật chất.
Tuy nhiên có những lợi ích vật chất không thua kém vật chất là lợi ích tinh thần, như chạy đua thành tích, khen thưởng kỷ luật, danh hiệu hoặc "hối lộ tình dục" để đạt được mục đích của mình. Cho nên cần phải có chế tài xử lý nghiêm cả người đưa và người nhận loại "hối lộ tình dục" này.
Xin cảm ơn ông!