Hối lộ có xu hướng gia tăng

Hối lộ có xu hướng gia tăng

(GD&TĐ) - Theo đánh giá của người dân, năm 2012 có một chút cải thiện so với năm 2011 trong lĩnh vực quản trị và dịch vụ công. Dấu hiệu tích cực được ghi nhận ở nội dung: Kiểm soát tham nhũng; Công khai, minh bạch; Cung ứng dịch vụ công và Trách nhiệm giải trình với người dân. Tuy nhiên, tình trạng hối lộ lại có xu hướng gia tăng…

Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công năm 2012 (PAPI) do  Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (Mặt trận Tổ quốc), Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thực hiện trên 14 ngàn người ở 63 tỉnh, thành cho thấy người dân khá lạc quan về điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng hối lộ, thủ tục hành chính rườm rà vẫn là nguyên nhân khiến người dân không hài lòng về hiệu quả quản trị hành chính công hiện nay. TS Đặng Ngọc Dinh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cho biết: Theo đánh giá của người dân, tình trạng hối lộ tăng gần  50% so với năm 2011 (từ 29% lên 44%). Cụ thể, 42% người dân được hỏi cho biết họ đã phải “lót tay” nhân viên y tế mới được chăm sóc và để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 32% người dân phải chi các khoản ngoài quy định.

Theo TS Dinh, con số trên cho thấy  nạn tham nhũng vặt đã và đang trở thành phổ biến ở tất cả các địa phương. “Thực trạng đáng buồn đó là mỗi người dân đang chấp nhận nạn tham nhũng vặt như một thứ dịch bệnh và họ trở nên lãnh đạm với nó. Bằng chứng là 25% người dân cho biết họ sẽ không bao giờ tố giác hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ. 14% người sẽ tố giác khi bị vòi vĩnh ở mức trên 500 ngàn đồng, 12,5% sẽ tố giác khi bị vòi vĩnh ở mức 1 triệu đồng…”, TS Dinh nhận định. Lý do không tố giác các hành vi tham nhũng do 72,88% cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì, 7,8% sợ bị trả thù và 5,22% thấy rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà.

Tại cuộc họp báo ngày 14/5 bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, PAPI là công cụ theo dõi, đánh giá thái độ của người dân trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công. Thái độ của người dân chính là thước đo, là tấm gương để các địa phương nhìn vào đó để thay đổi cách quản lý, cung cấp dịch vụ của mình. 

“Khi người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn và có trình độ học vấn cao hơn thường đòi hỏi nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính hiệu quả  hơn, chất lượng hơn, ít quan liêu và đặc biệt không còn tham nhũng. Việt Nam đang trở thành tâm điểm của thế giới khi  hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ thì tăng trưởng kinh tế không phải mục tiêu duy nhất mà thay đổi hệ thống hành chính công theo hướng công khai, minh bạch mới là điều kiện then chốt”, bà Pratibha Mehta khuyến cáo.

- PAPI điều tra ở 6 lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng và Thủ tục hành chính công;

- Theo đánh giá của người dân, 5 tỉnh đứng đầu: Quảng Bình, Thái Bình, Bình Định và Đà Nẵng. Khánh Hòa, Kiên Giang, Bạc Liêu, Lai Châu, Đắk Lắk là 5 tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng;

- Đà Nẵng tăng 10% điểm thuộc nhóm dẫn đầu, vượt xa TPHCM và Hà Nội với mức tăng điểm  lần lượt là 7% và 3%.

Minh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ