Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh cho biết: "Ngày 9/10, Hội đã gửi công văn số 71/CV-KH gửi Sở Tài Chính, Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ về việc đề xuất phương án cấp kinh phí cho các TTHTCĐ sau nhiều lần gửi công văn và đề xuất trực tiếp trong nhiều năm mà không được giải quyết. Lần này chúng tôi đề xuất toàn tỉnh một mức chung 20 triệu đồng/trung tâm/năm và đề xuất phương án chi cụ thể".
Tại công văn số 71, Hội khuyến học nêu rõ: Việc sử dụng kinh phí thường xuyên thực hiện theo Quyết định số 10 của Bộ GD&ĐT là chi hành chính và trả phụ cấp cho Ban giám đốc Trung tâm, do Sở Tài chính, Sở GD&ĐT và Hội khuyến học tỉnh thống nhất phương án trình UBND tỉnh.
Những buổi học tập tại cơ sở tại các đơn vị TTHTCĐ diễn ra sôi động, thu hút nhiều người. |
Trong đó, Hội khuyến học đề xuất phương án: Chế độ phụ cấp: Giám đốc Trung tâm: Hệ số 0.2, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội Khuyến học bán chuyên trách kiêm Phó Giám đốc Trung tâm, hệ số 0.5. Nếu bố trí cán bộ cơ sở trong biên chế kiêm Phó giám đốc Trung tâm (không có cán bộ Hội bán chuyên trách) thì phụ cấp hệ số 0.3.
Theo đó, các phương án được đưa ra gồm: phương án 1 là (0.2+0.5) x 1.490.000 x 12 tháng = 12.510.000 đồng; phương án 2 là (0.2 + 0.3) x 1.490.000 x 12 tháng = 8.940.000 đồng. Số tiền sẽ được chi như sau: Chi hành chính, quản lý tại trung tâm gồm chi văn phòng phẩm, điện thoại, cước dịch vụ mạng, hệ thống sổ sách quản lý… Số tiền chi hành chính quản lý, sau khi đã chi trả phụ cấp là: 7.490.000 đồng (phương án I) – 11.060.000 đồng (phương án II).
Trong công văn cũng nghi rõ: Đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết tại kỳ họp cuối năm 2019 hoặc UBND tỉnh ban hành Quyết định phương án thực hiện TT96/2008/BTC thống nhất trên địa bàn tỉnh. Kinh phí trên do ngân sách huyện quản lý và phân bổ mỗi năm 2 kỳ trên cơ sở đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của trung tâm.
Được biết, trong những năm qua ở Hà Tĩnh chỉ duy nhất có huyện Can Lộc cấp kinh phí cho mỗi TTHTCĐ 5 triệu đồng/năm sau hạ xuống 3 triệu đồng/năm. Năm 2019, TX Kỳ Anh có cấp 5 triệu đồng/trung tâm/năm. Điều đáng nói, cả hai địa phương này cấp nhưng theo kiểu "xé rào" khi từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Tài chính không có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 96.
Công văn yêu cầu tỉnh cấp kinh phí cho các TTHTCĐ. |
Ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: "UBND huyện vừa chỉ đạo Phòng GD&ĐT tổ chức Hội nghị bàn về củng cố và nâng cao chất lượng các TTHTCĐ. Theo đó, năm học 2019-2020, chúng tôi tiếp tục bố trí giáo viên biệt phái cho 100% các TTHTCĐ như những năm qua và sẽ có Quyết định cử các giáo viên này làm Phó Giám đốc TTHTCĐ. Trong nhiều hội nghị và diễn đàn chúng tôi đã đề xuất Tỉnh có văn bản thực hiện Thông tư 96 nhưng chưa có. Chúng tôi muốn cấp đủ nhưng lại vướng vì thiếu văn bản làm căn cứ".
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Trần Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc TTHTCĐ xã Quang Lộc chia sẻ: "Nhu cầu học tập của nhân dân tại TTHTCĐ là rất lớn, tuy nhiên do không có kinh phí nên gặp trăm cái khó. Lâu nay, chúng tôi chỉ biết lồng ghép, vận dụng chứ để đưa TTHTCĐ đi vào hoạt động bài bản thì thật sự khó khăn".
Thiết nghĩ, các tỉnh khác đều đã thực hiện Thông tư 96 từ lâu và đã xây dựng được hệ thống TTHTCĐ đi vào hoạt động bài bản, phát huy hiệu quả. Không hiểu sao, Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, điển hình của cả nước về phong trào xây dựng Nông thôn mới mà lại "quên" cấp nguồn kinh phí này dẫn đến nhiều TTHTCĐ của các xã rơi vào cảnh hữu danh vô thực.
Tại Thông tư 96 năm 2008 của Bộ Tài chính quy định rõ :"Nguồn chi thường xuyên được cấp từ ngân sách nhà nước trong ngân sách sự nghiệp giáo dục".