Hồi kết của một bóng ma

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - WHO nhận định việc loại bỏ hoàn toàn đại dịch Covid-19 gần như không thể, tuy nhiên thế giới có thể đạt được mục tiêu giảm nguy cơ mắc và tử vong.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đại dịch Covid-19, “bóng ma” ám ảnh thế giới trong suốt 3 năm qua, đang dần đến hồi kết khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/1 khẳng định sẽ chấm dứt các tuyên bố khẩn cấp về Covid-19 từ ngày 11/5 tới.

Quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra sau gần 3 năm nước Mỹ áp dụng các biện pháp phòng dịch sâu rộng trên toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh. Tình trạng khẩn cấp quốc gia và Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHE) do Covid-19 được cựu Tổng thống Donald Trump ban hành năm 2020.

Hai tình trạng khẩn cấp về y tế này tại Mỹ đã được gia hạn thêm 90 ngày mỗi khi hết hạn. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden cũng nhiều lần gia hạn các biện pháp để cho phép hàng triệu người Mỹ được xét nghiệm, tiêm vắc-xin và điều trị miễn phí Covid-19.

Hai tuyên bố tình trạng khẩn cấp nói trên của Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 1/3 và ngày 11/4, nhưng Nhà Trắng cho biết sẽ gia hạn đến ngày 11/5 và sau đó kết thúc. Trong thời gian qua, chính phủ Mỹ đã chi trả tiền cho vắc-xin, một số loại xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19 trong phạm vi hỗ trợ của PHE.

Sau khi tình trạng khẩn cấp chấm dứt, các chi phí trên sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ, trong khi người không có bảo hiểm tại Mỹ sẽ phải thanh toán toàn bộ những chi phí đó.

Các nhà lập pháp cũng từng nhiều lần phản đối yêu cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc cấp thêm hàng tỷ USD cho xét nghiệm và vắc-xin Covid-19 miễn phí. Chính quyền ông Biden đã xem xét chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế vào năm 2022, nhưng hoãn lại do lo ngại về khả năng số ca bệnh có thể tăng đột biến trong mùa Đông.

Theo các chuyên gia, việc chấm dứt đột ngột các tuyên bố khẩn cấp sẽ tạo ra sự hỗn loạn và bất ổn trên diện rộng trong toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe cho các tiểu bang, bệnh viện và văn phòng bác sĩ và quan trọng nhất là cho hàng chục triệu người Mỹ.

Hiện theo số liệu của chính phủ Mỹ, các trường hợp mắc Covid-19 trong nước đã giảm nhưng mỗi ngày vẫn có hơn 500 người chết do dịch bệnh này. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tổng cộng có hơn 1,1 triệu người ở Mỹ đã chết vì Covid-19 kể từ năm 2020.

Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 hôm 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định gia hạn giai đoạn khẩn cấp của dịch Covid-19 thêm 3 tháng nữa. Cơ quan này đã ban bố Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 1/2020.

Thông cáo của WHO cho biết: “Đại dịch Covid-19 có thể đang tiến đến một bước ngoặt. Tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thông qua mắc bệnh tự nhiên và/hoặc tiêm vắc-xin có thể hạn chế được tác động đến tỷ lệ mắc hay tử vong do SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong tương lai gần, virus này vẫn là một mầm bệnh đối với con người và động vật”.

Trong khi đó tại châu Á, Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế với Covid-19 kể từ ngày 8/1 vừa qua, sau 3 năm duy trì nghiêm ngặt. Hàn Quốc ngày 30/1 cũng tuyên bố hủy bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà, trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tại quốc gia này có dấu hiệu tăng chậm lại.

WHO nhận định việc loại bỏ hoàn toàn đại dịch Covid-19 gần như là không thể, tuy nhiên thế giới có thể đạt được mục tiêu giảm nguy cơ mắc và tử vong do đại dịch lịch sử này gây ra. Bóng ma Covid-19 bao trùm toàn cầu vì thế cũng sắp đến hồi kết đối với thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ