Các lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng
- Mỗi thí sinh chỉ được phép thay đổi nguyện vọng một lần;
- Khi thay đổi nguyện vọng, thí sinh có thể điều chỉnh trường, ngành, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, tổ hợp dùng để xét tuyển, chế độ ưu tiên;
- Nếu thí sinh không thay đổi chế độ ưu tiên và không tăng số nguyện vọng, có thể thực hiện thay đổi nguyện vọng trực tuyến, ngược lại phải đăng ký thay đổi nguyện vọng bằng Phiếu tại các điểm đăng ký dự thi. Thời gian đăng ký trực tuyến là từ 15/7 đến hết ngày 21/7; thời gian đăng ký tại các điểm đăng ký dự thi là từ 15/7 đến hết ngày 23/7.
Câu 1: Khi đăng ký dự thi, em đã đăng ký xét tuyển theo đúng nội dung tư vấn của các thầy cô trong trường: chọn ngành phù hợp với năng lực và sở trường, chọn các trường theo 3 nhóm: nhóm có điểm chuẩn các năm phù hợp với năng lực, nhóm có điểm chuẩn cao hơn một chút so với năng lực và nhóm có điểm thấp hơn. Hiện nay em đã có điểm thi tốt hơn một chút so với dự kiến ban đầu của em, em có cần điều chỉnh đăng ký xét tuyển nữa không?
Trả lời: Em đã thực hiện đúng hướng dẫn để có thể trúng tuyển vào trường, ngành phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Vấn đề còn lại là em so sánh phổ điểm của năm 2017 với phổ điểm của năm 2016 do Bộ GDĐT công bố, nếu với mức điểm (theo tổ hợp xét tuyển) của em trở lên có số lượng thí sinh tương đồng (hoặc khác nhau không lớn) so với số học sinh năm 2016 có mức điểm đủ để trúng tuyển vào trường, ngành em đã chọn, em hoàn toàn có thể yên tâm và không phải thay đổi nguyện vọng.
Câu 2: Em đã nộp đăng ký xét tuyển từ tháng 4, nhưng chưa đăng ký vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi có kết quả thi, em muốn đăng ký vào ngành Bác sỹ đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội thì có được không?
Trả lời: Trước khi quyết định có đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội, em cần phân tích phổ điểm của năm 2017 và so sánh với phổ điểm của các năm trước. Khi đã quyết định, em có thể thực hiện bằng 1 trong 2 cách sau:
- Nếu em không thêm nguyện vọng, có nghĩa là sẽ bỏ bớt 1 nguyện vọng đã đăng ký để thêm nguyện vọng vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội, em có thể điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến (sử dụng số chứng minh nhân dân và mã truy cập được cấp khi đăng ký dự thi).
- Nếu em thêm nguyện vọng, cần đến điểm đăng ký dự thi (Trường THPT nơi em học) điền thông tin và nộp Phiểu đăng ký điều chỉnh nguyện vọng.
Lưu ý: khi đăng ký tại điểm tiếp nhận, em cần đọc kỹ thông tin thay đổi nguyện vọng đã được nhập và ký xác nhận; tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, em có thể download trên Công thông tin thi và tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://thituyensinh.vn.
Câu 3: Em đã sơ tuyển vào Học viện Hậu cần. Tuy nhiên, do sơ sót em đã đăng ký xét tuyển vào Học viện Hậu cần là nguyện vọng 2 không đúng với quy định của Bộ Quốc phòng. Thầy cho biết em có thể điều chỉnh được không?
Trả lời: Theo quy định của Bộ Quốc phòng, để đăng ký vào các Trường quân đội, thí sinh phải chọn nguyện vọng 1 đối với trường quân đội. Như vậy, nếu em để nguyện vọng vào Học viện Hậu cần là nguyện vọng 2, em sẽ không được xét tuyển vào trường. Để điều chỉnh thứ tự nguyện vọng của học viện Hậu cần từ NV 2 lên NV1 em thực hiện phương thức điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, sử dụng số chứng minh nhân dân và mật khẩu đã được cấp khi đăng ký dự thi để truy cập vào hệ thống và chọn chức năng “Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển”.
Câu 4: Sau khi tra cứu dữ liệu của cá nhân trên hệ thống, em thấy chế độ ưu tiên của em không đúng, em có thể điều chỉnh lại chế độ ưu tiên được không?
Trả lời: Em hoàn toàn có thể điều chỉnh được chế độ ưu tiên. Để điều chỉnh, em cần thực hiện các bước sau:
- Điền các thông tin cần điều chỉnh vào Phiếu đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT (mẫu Phiếu có thể tải từ địa chỉ https://thituyensinh.vn). Sau đó đến điểm tiếp nhận đăng ký dự thi để nộp Phiếu (thời gian từ 15/7 đến 23/7). Khi đến điểm tiếp nhận, cần mang theo Chứng minh nhân dân, các minh chứng về ưu tiên và Phiếu đăng ký dự thi (Phiếu số 2) kèm theo đăng ký xét tuyển Lưu ý: trước khi điền thông tin cần đọc kỹ hướng dẫn ở mặt sau của Phiếu;
- Cùng với Cán bộ điểm tiếp nhận nhập thông tin điều chỉnh vào máy và ký xác nhận các thông tin nhập vào máy đã đúng với đề xuất thay đổi của mình làm cơ sở để điểm tiếp nhận cập nhật thông tin điều chỉnh lên hệ thống.
- Lên hệ thống để kiểm tra thông tin một lần nữa, trường hợp phát hiện các sai sót so với đề nghị thay đổi của mình phải báo ngay với điểm tiếp nhận.
Câu 5: Việc thay đổi nguyện vọng được thực hiện như thế nào? thời gian điều chỉnh nguyện vọng được quy định ra sao?
Trả lời: Có 2 phương thức điều chỉnh nguyện vọng:
1) Điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến:
Thí sinh dùng số chứng minh nhân dân của mình cùng mật khẩu được cấp khi đăng ký dự thi để truy cập vào hệ thống (https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn), sau đó chọn chức năng “Thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển”.
Lưu ý: thời gian đăng ký trực tuyến chỉ từ 15/7 đến hết ngày 21/7; với phương thức này, thí sinh không được tăng số nguyện vọng so với đăng ký ban đầu và không thay đổi được chế độ ưu tiên.
2) Điều chỉnh nguyện vọng tại điểm đăng ký dự thi (thay đổi NV bằng Phiếu):
Thí sinh điền thông tin vào Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Sau đó, nộp Phiếu này tại điểm đăng ký dự thi và ký xác nhận sau khi rà soát kỹ thông tin ĐKXT của mình đã được nhập vào máy tính.
Lưu ý: Thời gian điều chỉnh bằng Phiếu từ 15/7 đến hết ngày 23/7; Phương thức điều chỉnh này chỉ thực hiện đối với các thí sinh tăng số lượng nguyện vọng so với đăng ký trước đây hoặc thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên.
Câu 6: Bộ GDĐT có quy định: “chỉ được đổi nguyện vọng 1 lần”, Thầy cho biết, Bộ có hỗ trợ gì để giảm thiểu sai sót của thí sinh khi điều chỉnh đăng ký xét tuyển?
Trả lời: Để hỗ trợ cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tại các điểm đăng ký dự thi (nơi tiếp nhận Phiếu điều chỉnh nguyện vọng) các trường sẽ bố trí cán bộ máy tính để hướng dẫn thí sinh. Ngoài ra, trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ (https://thituyensinh.vn) có đăng tải tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng và từ ngày 9/7 đến hết ngày 11/7 thí sinh có thể thực hành điều chỉnh nguyện vọng trực tiếp trên hệ thống.
Lưu ý: Việc thực hành điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 9-11/7, thí sinh sẽ thực hành điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển để thao tác thành thạo các chức năng điều chỉnh nguyện vọng. Sau ngày 11/7, hệ thống sẽ khóa và những dữ liệu đã thực hành sẽ bị xóa hoàn toàn. Thí sinh tiến hành điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến từ ngày 15/7 – 21/7.
Câu 7: Em có thể vừa thay đổi nguyện vọng trực tuyến vừa đăng ký thay đổi chế độ ưu tiên tại các điểm tiếp nhận Phiếu điều chỉnh nguyện vọng được không?
Trả lời: Thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức điều chỉnh nguyện vọng và chỉ được thực hiện điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Như vậy, nếu đã điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến sẽ không được thực hiện các điều chỉnh bằng phiếu nữa. Trong trường hợp cụ thể của em, có đề nghị thay đổi chế độ ưu tiên, em cần phải điều chỉnh nguyện vọng bằng Phiếu.
Câu 8: Cho em hỏi nguyên tắc xét tuyển giữa các nguyện vọng. Ví dụ thí sinh A và B đều đăng ký vào cùng một ngành của một trường; thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1 và thí sinh B đăng ký nguyện vọng 4 thì việc xét tuyển thực hiện như thế nào? xét hết NV1 nếu còn chỉ tiêu thì mới xét NV tiếp theo có phải không? Trong trường hợp thí sinh B- NV 4 điểm cao hơn thí sinh A- NV 1 thì thí sinh B có được xét trúng tuyển không?
Trả lời: Theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó. Còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng.
Trong trường hợp cụ thể em nêu, nếu bạn B đã trúng tuyển một trong các nguyện vọng từ 1 đến 3 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 4 nữa. Còn nếu cả ba nguyện vọng trên thí sinh B đều không trúng tuyển, thì sẽ được xét tuyển vào ngành đăng ký nguyện vọng 4. Khi xét tuyển nguyện vọng này, thí sinh A và thí sinh B đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, ai điểm cao hơn sẽ được lợi thế hơn.
Câu 9: Em không còn nhớ mã truy cập hệ thống để truy cập khi thay đổi đăng ký xét tuyển trực tuyến, vậy em phải làm thế nào?
Trả lời: Trường hợp không nhớ được mã để truy cập hệ thống, em cần đến điểm đăng ký dự thi và mang theo giấy chứng minh nhân dân và Phiếu đăng ký dự thi (Phiếu số 2) để đề nghị xin được cấp lại.
Câu 10: Em được biết để điều chỉnh đăng ký xét tuyển, cần có số ĐT di động để nhận mã xác nhận (mã OTP). Nếu khi đăng ký dự thi, em chưa đăng ký số điện thoại di động thì em phải làm thế nào?
Trả lời: Sau khi truy cập vào hệ thống (sử dụng số chứng minh nhân dân và mã truy cập được cấp khi đăng ký dự thi), em có thể khai báo lại số điện thoại di động và sử dụng số điện thoại này để nhận mã OTP trước khi xác nhận và gửi thông tin thay đổi nguyện vọng lên hệ thống. Trường hợp không đăng ký được, em cần tới điểm đăng ký dự thi và mang theo giấy chứng minh nhân dân và Phiếu đăng ký dự thi (Phiếu số 2) để đăng ký số điện thoại.
Câu 11: Khi đăng ký dự thi, em không đánh dấu vào mục “sử dụng kết quả thi để xét tuyển” và em cũng chưa đăng ký xét tuyển. Trong thời gian từ 15/7 đến 23/7 em có thể đăng ký xét tuyển được không?
Trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành: “Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT”. Như vậy, nếu chưa đăng ký xét tuyển, chưa đánh dấu vào mục: ”sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ” thì sẽ không được xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển bổ sung hay đăng ký xét tuyển vào các trường xét tuyển bằng kết quả học tập ở Trung học phổ thông.
Câu 12: Bộ đã công bố phổ điểm của năm 2017, thầy có thể hướng dẫn cách tham khảo phổ điểm để đăng ký xét tuyển như thế nào?
Trả lời: Sau ngày 12/7 Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào kèm theo phổ điểm. Phổ điểm được công bố theo từng khối thi (các khối thi truyền thống và một số tổ hợp có nhiều thí sinh đăng ký). Phổ điểm sẽ cho biết số lượng thí sinh đạt kết quả thi từ các mức điểm khác nhau (ví dụ: số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên, từ 20,25 điểm trở lên…). Như vậy căn cứ phổ điểm em sẽ xác định được số thí sinh có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của em trong năm 2017 là bao nhiêu, sau đó quay sang phổ điểm năm 2016, em sẽ xác định với số lượng thí sinh như vậy năm 2016 sẽ có điểm từ mức nào trở lên và như vậy em sẽ xác định được: trong vùng kết quả của em, phổ điểm năm nay sẽ cao hơn (hay thấp hơn) năm trước là bao nhiêu.
Tuy nhiên, em cần lưu ý: phổ điểm chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường. Do vậy, để đảm bảo khả năng trúng tuyển vào các ngành phù hợp, em vẫn phải cân nhắc để lựa chọn đủ các ngành có khả năng trúng tuyển ở các mức khác nhau; đồng thời phải cân nhắc kỹ trật tự đặt các nguyện vọng này.
Câu 13: Em đăng ký xét tuyển và 3 trường. Trường hợp em đủ điểm trúng tuyển vào cả 3 trường, em có được lựa chọn vào học 1 trong 3 trường đó không?
Trả lời: Phương án xét tuyển năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và trường hợp thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, cũng chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất. Trong trường hợp đã nêu, em chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng 1. Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Câu 14: Sau khi trường công bố kết quả xét tuyển, nếu em đã có tên trong danh sách trúng tuyển thì sau đó em cần phải làm những thủ tục gì để được vào học tại trường?
Trả lời: Theo lịch tuyển sinh, ngày 1 tháng 8 các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển. Sau đó, đến trước ngày 7/8 thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (trực tiếp tại trường hoặc qua đường Bưu điện) để khẳng định việc nhập học tại trường đã trúng tuyển và theo lịch nhập học của trường thí sinh sẽ đến trường nộp các giấy tờ (học bạ, giấy chứng nhận ưu tiên…) để làm thủ tục nhập học.
Câu 15: Hiện nay, nhiều trường cho phép dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào 1 ngành, Thầy có thể cho em biết cách lựa chọn tổ hợp khi đăng ký xét tuyển như thế nào?
Trả lời: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, nếu trong 1 ngành trường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển, các trường cần phải công bố công khai cách xét tuyển giữa các tổ hợp: các trường có thể đưa ra độ chênh của điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp (độ chênh này có thể bằng 0, khi đó các tổ hợp đều có cùng điểm trúng tuyển); các trường cũng có thể quy định chỉ tiêu dành cho từng tổ hợp.
Như vậy, để chọn tổ hợp dùng để đăng ký xét tuyển, thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy định của các trường (được công khai trên trang thông tin tuyển sinh của các trường). Sau khi xác định được độ chênh điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, thí sinh căn cứ vào kết quả thi của mình để xác định dung tổ hợp nào sẽ có lợi nhất. Nếu trường quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp, các em có thể sử dụng nhiều tổ hợp để đăng ký xét tuyển vào ngành đó, mỗi tổ hợp là 1 nguyện vọng.
Câu 16: Thầy cho biết quy định xét tuyển các đợt bổ sung như thế nào?
Trả lời: Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau 13 tháng 8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý: i) ở mỗi trường, thí sinh phải nộp 1 Phiếu ĐKXT riêng và trong mỗi Phiếu ĐKXT các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên; ii) thí sinh nộp Phiếu ĐKXT trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện; iii) Thí sinh xác nhận nhập học theo lịch do trường quy định; iiii) Thí sinh chưa đăng ký xét tuyển đợt 1 vẫn có thể tham gia đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung.
Câu 17: Em đã đăng ký 04 nguyện vọng, em cần bổ sung thêm 02 nguyện vọng và điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho 1 nguyện vọng. Theo quy định em cần điều chỉnh nguyện vọng bằng Phiếu. Thầy cho hỏi em có phải viết trong Phiếu những nguyện vọng em không cần sửa hay không? Trong Phiếu điều chỉnh nguyện vọng có mục “Nội dung điều chỉnh ”, em cần điền thông tin gì vào mục này?
Trả lời: Để thay đổi nguyện vọng bằng Phiếu, em cần điền vào Phiếu đầy đủ cả 6 nguyện vọng (2 nguyện vọng thêm, 1 nguyện vọng điều chỉnh tổ hợp và 3 nguyện vọng không điều chỉnh). Trong Phiếu điều chỉnh có mục ”Nội dung điều chỉnh”, các thông tin trong mục này để hỗ trợ cho điểm tiếp nhận khi nhập dữ liệu được thuận lợi. Trong mục này, đối với nguyện vọng không thay đổi: em điền ”0”; đối với nguyện vọng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển và các nguyện vọng bổ sung, các em điền ”TĐ”.
Câu 18: Thầy cho em hỏi: Nếu em đã trúng tuyển đợt 1, em có thể đăng ký xét tuyển đợt bổ sung không?
Trả lòi: Sau khi trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp cho trường bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi. Trường hợp thí sinh không xác nhận nhập học thì vẫn có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên cũng cần lưu ý: khi đăng ký xét tuyển, các em cần cân nhắc lựa chọn các ngành, trường yêu thích để đảm bảo khi trúng tuyển có thể yên tâm xác nhận nhập học vào trường.
Câu 19: Em đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ, em có thể tiếp tục đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia hay không?
Trả lời: Phương thức xét tuyển bằng học bạ (bằng kết quả học tập ở THPT) và xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia được thực hiện độc lập với nhau. Do vậy, em đồng thời có thể đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi và xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, em cần lưu ý, nếu đã nhập học và nộp cho trường Giấy chứng nhận kết quả thi, sẽ không được tiếp tục tham gia xét tuyển.
Câu 20: Em đã sơ tuyển và đăng ký xét tuyển vào Bác sỹ đa khoa (ngành quân sự) của Học viện Quân y. Cho em hỏi, nếu em không đủ điểm trúng tuyển vào Học viện Quân y, em có được xét tuyển vào các trường ngoài quân đội không?
Trả lời: Các trường Quân đội và Công an đều xét tuyển chung đợt 1 với các trường còn lại, do vậy nếu không trúng tuyển ngành quân sự của Học viện Quân y, em vẫn có thể trúng tuyển (ngay đợt 1) vào các ngành dân sự hoặc các trường bên ngoài. Để thực hiện điều này, em phải đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Bác sỹ đa khoa (quân sự) của Học viện Quân y và các nguyện vọng tiếp theo là các ngành của trường ngoài Quân đội hoặc các ngành dân sự của các trường Quân đội.