Hội chứng Ménière gây chóng mặt là bệnh gì?

GD&TĐ - Chóng mặt là một biểu hiện thường thấy ở nhiều người, hiện diện trong các loại bệnh lý khác nhau.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Trong đó, hội chứng Ménière làm cho người bệnh bị… chóng mặt là bệnh lý khá quen thuộc đối với các bác sĩ chuyên ngành Nội khoa.

Hậu quả của bệnh lý nào đó

Chóng mặt là trạng thái đung đưa, xoay tròn, quay cuồng và nghiêng ngả làm cho người bị chóng mặt mất khả năng giữ được thăng bằng nên rất dễ bị té (ngã).

Nhiều người bị chóng mặt còn có cảm giác hoa mắt và tối sầm mặt mày. Một số biểu hiện khác đi kèm với chóng mặt là buồn nôn và nôn, rung giật nhãn cầu, nhức đầu, ù tai và thậm chí vã mồ hôi khắp thân thể.

Về mặt bệnh học, cơ chế gây ra tình trạng chóng mặt rất phức tạp. Nó thường là hậu quả của bệnh lý nào đó nằm ở tai trong, tiền đình ốc tai và các dây thần kinh liên quan. Dây thần kinh tiền đình ốc tai thuộc não bộ chịu trách nhiệm giữ thăng bằng cho cơ thể, nhất là lúc vận động và di chuyển.

Các nguyên nhân gây chóng mặt thường gặp là chấn thương vùng đầu, sỏi tai trong, viêm mê đạo, viêm dây thần kinh tiền đình, hội chứng Ménière, bệnh đau nửa đầu (Migrain), khối u ở não đang tiến triển, tai biến mạch máu não và nhiều lúc là do tác dụng phụ của thuốc đang điều trị một bệnh lý nào đó.

Thời gian chóng mặt có thể chỉ là thoáng qua, hoặc kéo dài vài phút. Nhiều trường hợp chóng mặt diễn ra hàng giờ. Sự kéo dài thời gian chóng mặt khiến cho người bệnh rất lo lắng. Cơn chóng mặt có thể bất chợt diễn ra hoặc có yếu tố khởi phát nào đó.

Nó có thể đến và đi bất chợt mà nhiều lúc không cần bất kỳ sự can thiệp nào (do não bộ điều chỉnh sự thích nghi và tạo cơ chế điều chỉnh sự thăng bằng của cơ thể). Việc điều trị dứt điểm các cơn chóng mặt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra biểu hiện đó.

Kiểm soát biểu hiện chóng mặt

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Việc chế ngự tình trạng chóng mặt nhằm hạn chế các diễn biến xấu có thể xảy ra. Người bệnh cần tạo thói quen và duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp như không thay đổi tư thế quá đột ngột, luôn có ý thức cẩn thận khi vận động và đi lại.

Nếu chóng mặt nhiều và kéo dài cần chống gậy để hỗ trợ, nhất là ở những người cao tuổi. Đồ vật trong nhà cần thu xếp gọn gàng, hợp lý, không trèo hoặc với lấy những đồ vật trên cao. Hạn chế tối đa hoặc tốt nhất nên tránh điều khiển các phương tiện giao thông và vận hành các loại thiết bị máy móc có thể gây hiểm họa nếu cơn chóng mặt bất ngờ ập đến.

Việc tắm sông, tắm biển cũng hết sức chú ý, không nên tắm một mình mà đi cùng những người khác. Nếu chóng mặt thường xuyên thì cũng tránh các hoạt động này.

Người bệnh cũng được khuyên giảm sử dụng cà phê, bia, rượu và thuốc lá. Ăn uống điều độ, không nên ăn quá mặn. Tránh lao tâm, lao lực quá mức, chế ngự tác động tiêu cực của stress, đảm bảo giấc ngủ và thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể.

Hội chứng Ménière

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Hội chứng Ménière còn gọi là bệnh Ménière. Tên bệnh được gọi theo tên của một bác sĩ Nội khoa người Pháp là Prosper Ménière (1799 - 1862). Năm 1861, bác sĩ Prosper Ménière là người đầu tiên đưa ra báo cáo về chứng chóng mặt (vertigo) có nguyên nhân từ sự rối loạn tai trong. Tình trạng này biểu hiện ở mỗi người một khác. Nó có thể thay đổi từ mức độ nhẹ đến mạn tính.

Nguyên nhân: Bệnh là biểu hiện của sự rối loạn tai trong gây ảnh hưởng đến sức nghe và sự thăng bằng ở nhiều mức độ khác nhau. Đặc trưng bởi các thời kỳ chóng mặt, ù tai và khả năng nghe giảm dần. Bệnh thường chỉ xảy ra ở một tai.

Đặc tính và biểu hiện: Người trên 40 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người dưới 40 tuổi. Các biểu hiện điển hình của bệnh là: Chóng mặt dữ dội, cảm giác quay cuồng kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, dáng đi xiêu vẹo do rối loạn thăng bằng, rung giật nhãn cầu, buồn nôn, vẻ mặt xanh tái và cơ thể ra nhiều mồ hôi.

Trong cơn bệnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi và tránh sự kích thích của ánh sáng, sử dụng các thuốc kháng Histamine như Allergy... Có thể kết hợp với các thuốc an thần như Diazepam, Benzodiazepin… hay thuốc điều chỉnh vận mạch như Stugeron…

Phòng tránh bệnh: Để hạn chế xảy ra hội chứng Ménière, sau đây là một điều cần phải được tuân thủ tốt: Thực hiện chế độ ăn kiêng ít muối, dùng thuốc lợi tiểu có thể làm giảm tần suất chóng mặt. Thuốc có tác dụng giảm chóng mặt và buồn nôn, giảm bớt các triệu chứng đang diễn ra ở người bệnh.

Tránh dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá và bia rượu. Tránh mất ngủ và có chế độ dinh dưỡng cân đối, thích hợp và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tránh những việc làm cho cơ thể và trí óc mệt mỏi quá mức và duy trì các hoạt động sinh lý bình thường.

Ngoài ra, người bệnh cần làm sao giảm được các stress, vì stress có thể làm trầm trọng cảm giác ù tai và chóng mặt khiến cho bệnh cảnh càng trở nên trầm trọng và phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.