Café chủ nhật

Hơi ấm Người mãi còn đây

GD&TĐ - Tháng 5 có ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già vô cùng kính yêu của dân tộc.

Đảo Cô Tô. Ảnh: iVIVU.
Đảo Cô Tô. Ảnh: iVIVU.

Với quân và dân Huyện đảo Cô Tô, tháng 5 còn là dịp để nhớ về một sự kiện trọng đại thể hiện tình cảm thiêng liêng của người dân Cô Tô với Bác kính yêu!

Tôi đến đảo Cô Tô vào một ngày đầu tháng 5 lịch sử, từ cảng quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn, Quảng Ninh) ra đảo, đâu đâu cũng đỏ rực màu cờ Tổ quốc. Thuyền đánh cá mang trên mình sắc đỏ như những cột mốc chủ quyền trên biển. Từ xa, chúng tôi đã quan sát thấy lá đại kỳ cao vút giữa trùng khơi hiên ngang tung bay trước gió.

Đặt chân lên đảo, việc đầu tiên là chúng tôi cùng nhau đến dâng hương tại đền thờ Bác Hồ. Quảng trường có đền thờ Bác nằm ở trung tâm huyện đảo. Đây là một quần thể kiến trúc đẹp, trang trọng, được trồng nhiều hoa và cây xanh. Từ đây có thể cảm nhận được sự gần gũi, thân quen, giống như một bản sao Ba Đình lịch sử trên hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Công trình cột cờ trên đảo do Trường Đại học Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khâu thiết kế, lắp đặt, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2022. Cột cờ có chiều cao xấp xỉ 28 mét, theo tỷ lệ một một với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình.

Phía sau cột cờ là tượng đài Bác Hồ mắt nhìn ra biển đang vẫy tay chào quân và dân trên đảo. Sau cùng là đền thờ Bác Hồ được xây dựng vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng khu mỏ Quảng Ninh.

Trước đền thờ đặt tấm bia đá ghi dấu mốc lịch sử, ngày 9/5/1961, chiếc trực thăng đưa Người ra thăm đảo. Phải chăng, chủ ý của tác giả thiết kế là muốn đem một chút linh thiêng nơi Người đang yên nghỉ tại Quảng trường Ba Đình, tới hòn đảo này, nhằm thể hiện tấm lòng của Bác lúc sinh thời dành cho quân và dân trên đảo.

Điều làm nên sự đặc biệt trong quần thể công trình quảng trường trên đảo Cô Tô chính là tượng đài Bác Hồ, vì đây là bức tượng đầu tiên được dựng khi Người còn sống.

Với lớp người cao tuổi, định cư lâu năm trên đảo, hình ảnh của Người trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su giản dị vẫn còn đậm sâu trong tâm trí. Bác tươi cười vẫy tay chào bà con; Bác hỏi thăm các cụ già, chia kẹo cho các cháu thiếu nhi, rồi đi thăm ruộng khoai, cánh đồng muối; động viên bà con bám biển, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa, an cư lạc nghiệp…

Người nói: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.

Cảm động trước sự quan tâm của Người, với lòng kính trọng và biết ơn, quân và dân Cô Tô đã xin được dựng tượng Người để ngày nào cũng được thấy hình ảnh của Bác Hồ.

Nguyện vọng của quân và dân Cô Tô đã được Người đồng ý. Năm 1968, bức tượng Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng cộng sự bắt tay thực hiện. Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, với chất liệu làm bằng thạch cao. Năm 1976, nhân kỷ niệm sinh nhật Người, tượng được thay bằng bức tượng toàn thân, chất liệu bê tông cốt thép, có chiều cao 4,5 mét, tính cả bệ là 9 mét. Năm 1996, tượng Bác được làm mới bằng chất liệu đá gra-nit cho đến nay.

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô. Ảnh: Trần Minh.

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô. Ảnh: Trần Minh.

Bên cạnh cụm công trình trên quảng trường, người dân Cô Tô còn nâng niu, gìn giữ từng kỷ vật của Người trong trong nhà lưu niệm Bác Hồ. Đó là bộ bàn ghế Bác ngồi, chiếc tủ, bộ quần áo và đôi dép của Người; có cả chiếc giường nghỉ trưa đơn sơ Bác ngả lưng khi ra đảo.

Những kỷ vật đó rất thiêng liêng và quý giá với quân và dân Cô Tô, như vẫn còn mang hơi ấm của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Hơi ấm ấy sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm tưởng của quân và dân đảo Cô Tô, nó chẳng bao giờ bớt đi sự nồng ấm, bởi được kết tinh từ tình cảm, lòng kính trọng và sự biết ơn vô bờ bến đối với một Con Người cả đời sống, cống hiến và hy sinh cho dân tộc mới có được thành quả độc lập, tự do như hôm nay.

Từ tầm vóc, ý nghĩa lớn lao đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô là di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với lời căn dặn quân và dân Cô Tô trong lần ra thăm đảo vào ngày 9/5/1961, Bác Hồ vẫn luôn dành cho quân và dân trên đảo niềm nhớ thương và sự quan tâm sâu sắc.

Trong bức ảnh Bác Hồ gửi tặng đảo Cô Tô trước lúc đi xa, Người đã đề tặng dòng chữ: “Khuyên cán bộ, bộ đội, nhân dân đoàn kết một lòng, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Lời căn dặn của Bác vẫn luôn nằm trọn trong trái tim, khối óc của quân và dân trên đảo. Nhưng về phát triển kinh tế, phải đến những năm gần đây, Cô Tô mới có điều kiện bứt phá.

Là một huyện đảo tiền tiêu, cách đất liền 60 hải lý, huyện Cô Tô có 50 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Cô Tô có diện tích khoảng 50 ki-lô-mét vuông. Cú hích phát triển sau ngày 16/10/2013, khi Cô Tô chính thức có điện lưới quốc gia.

Một kế hoạch đầu tư cho Cô Tô được triển khai đồng bộ, các hồ chứa nước được xây dựng cung cấp 100% nước sạch cho người dân; hạ tầng viễn thông được triển khai, sóng wifi của các nhà mạng “căng đét” như ở đất liền.

Đầu tháng 3/2023, khi cảng quốc tế Ao Tiên chính thức khai thác, các doanh nghiệp mua sắm tàu thuyền cỡ lớn, hiện đại vận chuyển khách du khách, rút ngắn quãng thời gian ra đảo, mở ra một tour du lịch biển đảo đầy tiềm năng.

Hơn 60 năm trôi qua, Người vẫn đứng đó thân thương, gần gũi vẫy chào bà con trên đảo. Giữa không gian rì rào biển hát, một giai điệu trầm ấm cất lên: “Thỏa nỗi khát khao, khi Người về thăm đảo; già trẻ gái trai, rưng rưng niềm hạnh phúc; từ tận đáy lòng, ơn sâu Người như biển, con tim bồi hồi, chờ đón Bác về thăm...”. Đó là lời ca trong bài hát “Cô Tô Bác về thăm” của nhạc sĩ Vũ Đức Tạo mà có lẽ, mỗi người dân, mỗi chiến sĩ trên đảo Cô Tô đều thuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ