Ký ức xúc động từ tấm hình chụp cùng Bác Hồ

GD&TĐ - Đứng lặng bên những tấm ảnh, kỷ vật về Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Nga (84 tuổi) như đang được trở về với năm tháng cách đây hơn 60 năm.

Không gian sắp đặt của trưng bày chuyên đề 'Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội' tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.
Không gian sắp đặt của trưng bày chuyên đề 'Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội' tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Trao tặng Bảo tàng Hà Nội tấm hình chụp cùng Bác Hồ cách đây hơn 60 năm, những nữ sinh Trường Trưng Vương và Tây Sơn (Hà Nội) năm xưa xúc động cùng những dòng ký ức không thể phai mờ…

Giữ mãi bên mình

Sáng 18/5, trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” và không gian nghệ thuật “Sen thư pháp” được khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 3 chủ đề: “Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ”, “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” và “Hà Nội làm theo lời Bác”. Trưng bày không gian nghệ thuật “Sen thư pháp” giới thiệu gần 40 tác phẩm Sen thư pháp kết hợp với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu châm ngôn về cuộc sống.

Toàn bộ không gian trưng bày được trang trí theo nghệ thuật sắp đặt. Bên cạnh đó, trong không gian trưng bày còn bố trí góc thư viện để phục vụ khách tham quan nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến giờ, bà giáo Lê Bích Châu (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình) không còn nhớ nhờ ai mà bà có được bức hình chụp đoàn thiếu nhi vui cười bên Bác Hồ, trong đó có cô bé Bích Châu là đại diện của Trường Tây Sơn cũng rạng rỡ, hân hoan.

Tấm hình ấy luôn được bà giữ bên mình suốt hơn mấy mươi năm qua, kể cả những năm phải sơ tán vì chiến tranh. Bởi lẽ, bức hình đặc biệt ấy luôn gắn liền với kỷ niệm đẹp như giấc mơ của lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ.

Năm ấy, Bích Châu mới học lớp 5, ở tuổi 12 - 13. Còn gì vui sướng, vinh dự, tự hào hơn khi cô bé được Thành đoàn Hà Nội chọn là một trong hơn 10 gương mặt tiêu biểu đại diện cho thiếu nhi Thủ đô đến chúc sức khỏe Bác Hồ nhân dịp đón năm mới - ngày 1/1/1956.

Chỉ đợi chừng 2 phút là Bác Hồ đã bước ra tiếp đón cả đoàn. Người vận bộ quần áo ka ki màu vàng, đi đôi dép cao su. Được Bác Hồ hỏi thăm cặn kẽ: Học lớp mấy, bố mẹ làm nghề gì, nhà ở đâu… Bích Châu và các bạn ríu rít kể chuyện.

Dù câu chuyện của học trò có khi còn lộn xộn nhưng Bác luôn ân cần lắng nghe. Sau đó, đoàn thiếu niên múa hát và được Người thưởng kẹo. Hơn một giờ đồng hồ của buổi gặp Bác hôm ấy sao mà trôi nhanh đến thế. Tiễn các cháu thiếu niên ra về, Bác còn chúc các cô cậu học trò học giỏi, chăm chỉ thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy…

“Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, tôi cứ ngỡ ông tiên đang bước đến bên mình. Trông Bác thật hiền từ, nhân hậu. Nếu lần gặp đầu tôi được ngồi sát bên Người thì 2 lần sau tập trung ngoài sân. Lần nào đón chúng tôi, Bác cũng phát kẹo làm quà. Những viên kẹo ấy luôn được tôi nâng niu, để dành làm kỷ niệm, không dám ăn.

Chỉ đến khi kẹo có hiện tượng chảy nước thì tôi mới chia đều cho em út cùng thưởng thức trong niềm hạnh phúc khôn tả. Niềm hạnh phúc ấy luôn là mạch nguồn thúc đẩy tôi học tập, rèn luyện và luôn là một người Hà Nội tử tế, trung thực, biết điều hay, lẽ phải…”, bà giáo Lê Bích Châu xúc động nói.

Năm nay đã ở tuổi 80 nhưng 8 năm qua bà giáo ấy vẫn lặng lẽ làm thiện nguyện với hoạt động “Con đường vàng” - tổ chức những bữa cháo từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ban đầu, bà giáo Châu chỉ định tổ chức trong khuôn khổ gia đình song khi các học trò biết được đã cùng san sẻ, đồng hành. Vì thế, thứ 4 hàng tuần, “Con đường vàng” giúp bệnh nhân nhi một nồi cháo, nồi cơm từ thiện. Ngoài ra, từ quỹ đóng góp ấy, bà giáo còn xây nhà tặng cho một gia đình ở Điện Biên và huy động phong trào đỡ đầu các học sinh nghèo, đến nay đã đỡ đầu cho 4 - 5 em ở đây.

“Lời Bác dạy luôn được chúng tôi ghi nhớ và suy nghĩ rất sâu sắc để từ đó tâm niệm sẽ là người sống tử tế, nhân hậu, biết trước biết sau…”, bà giáo Bích Châu bày tỏ.

Nhớ mãi… cái tát yêu của Bác

Bà Nguyễn Thị Nga trao tặng tấm hình chụp cùng Bác Hồ trong Đại hội Thể thao Thủ đô năm 1961 cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Bà Nguyễn Thị Nga trao tặng tấm hình chụp cùng Bác Hồ trong Đại hội Thể thao Thủ đô năm 1961 cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh.

Đứng lặng bên những tấm ảnh, kỷ vật về Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Nga (84 tuổi) như đang được trở về với năm tháng cách đây hơn 60 năm. Đó là lần bà được gặp Bác Hồ tại Đại hội Thể thao Thủ đô hồi tháng 2 năm 1961. Là đội trưởng đội bóng chuyền của Bộ Kiến trúc có thành tích giải Nhì, bà được đại diện cho các cơn quan Trung ương lên nhận cờ.

“Lúc gần nửa buổi Bác đến và đi xuống hỏi từng người: Cháu ở đơn vị nào? Tôi đứng gần cuối cùng, cứ ngóng Bác đến, nhìn Bác cười. Đến lượt, Bác vừa mới hỏi: “Cháu ở…” tôi đã đáp: "Cháu ở cơ quan Trung ương”, thế là Bác tát yêu cho một cái làm mọi người ngỡ ngàng và “ghen tị” kêu lên: “Sướng quá!”.

Còn tôi thì thấy mình thật may mắn và hạnh phúc để nhớ mãi không quên. May là khoảnh khắc ấy đã được ai đó chớp lại…”, bà Nga xúc động kể.

Trước đó, bà Nga cũng đã từng gặp Bác Hồ khi Người về thăm ngôi trường bà đang học tập - Trường nữ sinh Trưng Vương. Lúc nói chuyện, Bác có hỏi: “Các cháu có biết Chủ nghĩa Xã hội là gì không?”, cả trường im phăng phắc.

Bác giải đáp: “Cơm no và áo ấm”. “Câu trả lời của Bác thật ngắn gọn mà chính xác. Tôi đã nhớ và thấy thấm thía suốt từ năm đi học ấy cho đến bây giờ”, bà Nga bày tỏ.

Năm 1969, nhận tin Bác Hồ đi xa, vì mới sinh con thứ hai nên bà Nga không thể tự đến viếng Bác. Đến tối, chồng bà đã đưa bà đến lặng lẽ bước theo dòng người tiễn biệt Người. Sau này, bà cũng có 2 lần vào lăng viếng Bác cùng biết bao ký ức không bao giờ phai mờ.

Dịp này, bà Nga trao tặng tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ trong Đại hội Thể thao Thủ đô năm 1961 và bà giáo Bích Châu cũng trao tặng tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ năm 1956 cho Bảo tàng Hà Nội.

Hai tấm ảnh này sẽ tiếp tục lan tỏa đến thế hệ hôm nay những kỷ niệm xúc động của các nữ sinh Thủ đô năm xưa với Bác Hồ qua trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” tại Bảo tàng Hà Nội đến hết năm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy ảnh Fujifilm X-S10 cũ