Học xoá mù để làm gương cho con cháu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 30/3, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Tri Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã.

Quang cảnh buổi Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ ở xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Quang cảnh buổi Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ ở xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

32 học viên tham dự lớp xoá mù

Xã Tri Lễ (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Quan với tổng số dân trên địa bàn 4539 người. Trên 95% là người dân đồng bào dân tộc thiểu số, đời kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại chưa được thuận lợi vì vậy số người dân mù chữ mức 1, mức độ 2 còn khá nhiều.

Là một trong những học viên theo học tại lớp xoá mù, anh Hoàng Văn Xuyên, người dân xã Tri Lễ huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Khi biết được xã sẽ tổ chức lớp xoá mù chữ cho người dân, tôi đã rất vui mừng. Ngày trước vì gia đình khó khăn, đường xá đi lại vất vả không có điều kiện đi học nên tôi không biết đọc, biết viết dẫn đến gặp rất khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt trong ứng dụng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hay khi cần vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế nhưng không biết chữ, không ai ký vào giấy tờ cho nên rất thiệt thòi”.

Học viên được hỗ trợ vật phẩm cho học viên và hỗ trợ kinh phí.

Học viên được hỗ trợ vật phẩm cho học viên và hỗ trợ kinh phí.

Anh Xuyên mong muốn, sau khi hoàn thành khoá học tạo lớp học xóa mù bản thân sẽ biết đọc, viết và tính toán. “Tôi quyết tâm đi học xóa mù để không phải là người mù chữ nữa và làm gương cho con cháu là phải cố gắng học tập”, anh Xuyên bày tỏ.

Còn theo bà Hoàng Thị Huệ, cán bộ văn hóa xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, giáo viên dạy lớp xóa mù cho biết: “Để mở được lớp xóa mù, Đảng ủy, UBND xã, các ban mặt trận xã và các thầy cô giáo đi đến từng nhà của từng thôn để điều tra, rà soát từng người, thống kê số lượng người mù chữ. Sau đó, chúng tôi tổng hợp, phân loại xem thuộc loại mù chữ mức độ nào để vận động người dân ra học”.

Năm nay, lớp xoá mù chữ ở xã Tri Lễ có 32 học viên chia thành 2 lớp với 2 giai đoạn khác nhau. “Các giáo viên tham gia dạy đã chuẩn bị đầy đủ bài soạn, sách vở, học liệu cho học sinh và tổ chức học ngay sau ngày khai giảng”, bà Huệ cho biết.

Không để người dân thiệt thòi vì không biết chữ

Ông Hà Quang Thành, Giám đốc trung tâm học tập cộng đồng xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Khi mở lớp xóa mù trên địa bàn xã chúng tôi khá thuận lợi bởi các học viên hưởng ứng tham gia nhiệt tình. Cán bộ, giáo viên giảng dạy được tập huấn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã để đẩy lùi nạn mù chữ.

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên ở các trường trên địa bàn xã luôn sẵn sàng trong việc điều tra, giảng dạy và hỗ trợ các điều kiện tốt nhất cho người học. Chế độ hỗ trợ để mở lớp, hỗ trợ vật phẩm cho học viên và hỗ trợ kinh phí cho người học đầy đủ”.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Nhiều năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác xoá mù chữ trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Phòng đã phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng của các xã để tổ chức điều tra, mở lớp xóa mù chữ cho người dân.

Theo ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thực hiện kế hoạch xóa mù chữ năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn các xã thực hiện công tác điều tra phổ cập, điều tra số người dân chưa biết chữ trên địa bàn huyện để tiến hành mở lớp xóa mù chữ cho người dân. Giúp cho người dân chưa biết chữ có cơ hội đến lớp học, được học chữ, học tính toán và khoa học tự nhiên”.

Theo kế hoạch năm 2023, huyện Văn Quan sẽ mở 6 lớp xóa mù chữ cho trên 70 người dân chưa biết chữ của 5 xã đặc biệt khó khăn. Ban tổ chức sẽ linh động về thời gian, địa điểm, hình thức học tập được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho người học vừa tham gia học vừa tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

“Các lớp xoá mù chúng tôi hướng đến không chỉ giúp người dân chưa biết chữ có thể đọc thông, viết thạo và biết tính toán mà từng bước hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học và phát triển năng lực khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống”, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ