Ngày 2/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đón tiếp bà Elisaberh DEGRYSE, Bộ trưởng – Thủ hiến vùng Wallonie-Bruxelles và đoàn đại biểu các trường đại học (Vương quốc Bỉ).
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam và Bỉ có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp trên mọi lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973.
Hợp tác với Bỉ là mối quan hệ đặc biệt của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1997, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thiết lập hợp tác với các trường đại học Vương quốc Bỉ thông qua Chương trình Hợp tác về thể chế với Cộng đồng các trường Ðại học nói tiếng Pháp.
Chương trình này kéo dài gần 30 năm, gồm 4 giai đoạn với mục tiêu tổng thể là: tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, sinh viên thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, dự án nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ kết hợp và nâng cao hệ thống thư viện.

Nhấn mạnh, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Tanguy Goethals – Giám đốc Hợp tác ARES (Liên đoàn các tổ chức giáo dục đại học công lập tại Liên bang Wallonia-Brussels ở Bỉ) – cho rằng, việc trao đổi tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ thúc đẩy hợp tác, tìm ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu như: biến đổi khí hậu, y tế và an ninh lương thực.
“Hợp tác học thuật hiện không còn biên giới giữa các quốc gia nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng, mà trở thành cầu nối giúp giải quyết những vấn đề chung để cùng hướng tới phát triển bền vững” - ông Tanguy Goethals nhìn nhận.

Đặt mục tiêu hợp tác nghiên cứu, đào tạo, bà Annick CASTIAUX - Hiệu trưởng Trường ĐH Namur (Vương quốc Bỉ) khẳng định, sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Việc đào tạo gắn với thực tiễn, nghĩa là có trải nghiệm, thực hành ứng dụng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Mong muốn hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tái chế các loại rác thải, ông Philippe DUBOIS, Hiệu trưởng Trường Đại học DE MONS (Bỉ) trao đổi: “Chúng tôi có thể cử đội ngũ chuyên gia để hộ trợ việc tái chế thành những loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thế mạnh về lĩnh vực y - dược nên có thể đồng hành cùng các trường đại học của Việt Nam trong lĩnh vực này (nếu cần)”.
Khẳng định, chuyến thăm và làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam là dịp để hai bên cùng suy ngẫm về tương lai, bà Elisaberh DEGRYSE, Bộ trưởng Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles) nhấn mạnh, từ chuyến đi này có thể xem xét cách chúng ta có thể hợp tác tốt hơn, đặc biệt trong một số lĩnh vực hoạt động đầy thách thức.

“Các chuyên gia Bỉ có thể hỗ trợ kỹ thuật như: đào tạo quản lý chăn nuôi gia súc, đặc biệt trong sản xuất sữa hay chăn nuôi bò (giống bò lang trắng xanh Bỉ - BBB). Vùng Wallonie chính là một nơi có chuyên môn đáng kể trong lĩnh vực này", bà Elisaberh DEGRYSE gợi ý.
Cũng theo bà Elisaberh DEGRYSE, cuộc gặp gỡ lần này cũng là dịp để thảo luận về những gì chúng ta có thể cải thiện để đảm bảo rằng các quan hệ hợp tác đã có tiếp tục đóng góp phát triển hơn nữa ngành nông nghiệp Việt Nam, bằng cách mang lại nhiều phương pháp nghiên cứu mới, đào tạo ra một thế hệ nhà nghiên cứu mới và tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng các biện pháp nông nghiệp bền vững và có khả năng phục hồi tốt hơn.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, các dự án hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Bỉ, đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và môi trường như: Phát triển giống cây trồng; nâng cao chất lượng vật nuôi; Ứng dụng công nghệ sinh học; Nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm; Hợp tác trong lĩnh vực dinh dưỡng chăn nuôi.