Học viện Kỹ thuật Quân sự sử dụng 4 phương thức tuyển sinh

GD&TĐ - Theo thông báo của Học viện Kỹ thuật Quân sự, năm 2024, Học viện sử dụng 4 phương thức tuyển sinh.

Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự được học tập, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến.
Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự được học tập, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến.

Cụ thể: Phương thức 1, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

Phương thức 2, xét tuyển Học sinh giỏi bậc THPT, thực hiện đối với các thí sinh: đạt giải Nhất, Nhì, Ba các môn trong tổ hợp xét tuyển tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, TOEFL, SAT, ACT…

Phương thức 3, xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Phương thức 4, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Học viên có nhiều cơ hội du học tại nước ngoài.

Học viên có nhiều cơ hội du học tại nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Trọng Lưu – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, so với năm 2023, năm nay bổ sung phương thức lấy kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển.

Thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của hai đại học Quốc gia, cần chủ động đăng ký và tham dự các kỳ thi này; sau đó lấy Giấy chứng nhận kết quả thi để hoàn thiện thủ tục xét tuyển vào Học viện.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Lưu, được đào tạo trong môi trường Học viện Kỹ thuật quân sự sinh viên có cơ hội phát huy năng lực bản thân. Các em được học tập để khám phá và làm chủ công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong quân sự như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, công nghệ rô bốt, UAV, điện tử-viễn thông, kỹ thuật điều khiển tự động và tự động hoá, kỹ thuật ra đa-dẫn đường, kỹ thuật cơ khí động lực, kỹ thuật xây dựng, công nghệ hoá học, môi trường…

Học viên được học tập tại các phòng thí nghiệm hiện đại.

Học viên được học tập tại các phòng thí nghiệm hiện đại.

Ngoài ra, các em được học tập để trở thành các sĩ quan kỹ thuật phụ trách công tác kỹ thuật cho tất cả các quân binh chủng, ngành, lực lượng của Quân đội như: Phòng không-Không quân, Hải quân, Thông tin, Tác chiến điện tử, Tác chiến không gian mạng, Cảnh sát biển…

Bên cạnh đó, sinh viên được học trong môi trường đào tạo với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn hàng đầu trong Quân đội, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành tiên tiến hàng đầu cả nước.

“Hơn 20% chỉ tiêu được lựa chọn gửi đi đào tạo tại các trường đại học nước ngoài như: Nga, Séc, Nhật Bản…. Hai chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành Thông tin và An ninh hệ thống thông tin chờ đón thí sinh có kết quả tuyển sinh cao” – Đại tá Nguyễn Trọng Lưu chia sẻ và cho biết, toàn bộ chi phí ăn ở, học tập và đào tạo đều được Nhà nước, Quân đội bảo đảm; thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.

Để được đăng ký xét tuyển vào Học viện, thí sinh làm thủ tục đăng ký sơ tuyển tại Ban Chỉ huy quân sự cấp quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Thời gian đăng ký khoảng từ ngày 15/3/2024. Chi tiết về chỉ tiêu đào tạo, quy trình, thủ tục đăng ký sơ tuyển, đăng ký xét tuyển, Học viện sẽ thông báo rộng rãi khi có kế hoạch tuyển sinh của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.