“Dagestan của tôi” là cuốn tự truyện của nhà thơ, nhà văn người dân tộc thiểu số Avar, xứ sở Dagestan. Đây là một cuốn tiểu sử tự thuật nhiều thành phần giàu chất thơ và rất chân thành. Tác phẩm đậm màu sắc trữ tình lại được sưởi ấm bằng sự hài hước nhẹ nhàng, nó được chiếu sáng bằng sự láu lỉnh – cái láu lỉnh tinh nghịch dí dỏm.
Thông qua những chuyện kể dân gian mang phong cách tự sự, những trích dẫn thơ ca..., bạn đọc sẽ được cung cấp những tư liệu quý báu về kinh nghiệm viết văn của nhà thơ tài hoa. Từ việc tìm ý tưởng cho cuốn sách đến hành trình viết cuốn sách, ý nghĩa của cuốn sách và tên gọi của nó. Bên cạnh đó, qua những câu chuyện đời thường, chân thực của tác giả, chúng ta sẽ có những tri thức về những vấn đề mang tính lí luận như: ngôn ngữ, đề tài, thể loại, bút pháp và cốt truyện hết sức giản dị, dễ hiểu.
Chẳng hạn nói về ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, Rasul kể lại câu chuyện hành trình đi tìm ngôn ngữ cho truyện thơ “Người đàn bà trên núi”. Tác giả dự định xây dựng hình tượng một người đàn bà nanh ác. Vậy khi viết cần biết một lời rủa đặt vào miệng người đàn bà nanh ác trong truyện. Muốn vậy nhà văn phải tự tìm hiểu và đưa vào tác phẩm.
Bắt đầu bằng việc người ta mách ở làng xa có một người phụ nữ chưa từng chịu thua ai trong những lần chửi bới nhau. Tác giả đi tìm gặp người đàn bà đó, nói cho bà ý định và bà đã nói: “Cầu cho lưỡi mày khô đi, cho mày quên tên người người yêu, cho người mày có việc cần gặp không hiểu lời mày nói. Cầu cho mày quên lời làng quê khi đi xa trở về, cầu cho gió lùa vào miệng khi mày rụng hết răng… Này đồ …, già này có thể cười được chăng, nếu già không thấy vui? Tiếng khóc trong nhà có đáng giá gì nếu ở đây không ai chết cả! Già làm sao nghĩ ra một lời chửi rủa, nếu không bị ai xúc phạm đến? Đừng bao giờ đến đây mà yêu cầu ngu ngốc thế”.
Ngay sau đó, tác giả cảm ơn người đàn bà đó và rời khỏi ngưỡng của nhà bà. Trên đường về, tác giả đã suy nghĩ về lời ứng khẩu điêu luyện của bà già vừa xong với hi vọng rồi một ngày nào đó sẽ có người sưu tầm văn học dân gian sẽ soạn ra một cuốn sách gom góp những lời chửi rủa ở miền núi để mọi người biết được mức độ sáng tạo, mức độ chính xác của trí tưởng tượng phong phú và sức biểu hiện của ngôn ngữ.
Vậy đấy, nhà văn, nhà thơ là người phải am hiểu về ngôn ngữ. Muốn am hiểu về ngôn ngữ nhà văn phải tự nghe, nghĩ, tích lũy và viết. Bởi “Người hạ bút làm thơ mà không am hiểu ngôn ngữ thì chẳng khác gì anh chàng mất trí lao xuống dòng sông cuồn cuộn mà không biết bơi”.
Khi nói về đề tài trong tác phẩm, tác giả viết: “Đề tài của tôi là quê hương. Tôi không phải tìm đề tài, phải chọn lựa. Chúng ta không lựa chọn cho mình quê hương, nhưng quê hương ngay từ đầu đã chọn chúng ta.” Để người đọc hiểu rõ hơn, tác giả chọn cách lồng vào đó những câu chuyện.
Đầu tiên là câu chuyện về hai người miền núi đi vào rừng: Có hai người miền núi rời làng đi vào rừng chặt cây làm vai cày. Chắc là cái vai cày cũ đã hỏng. Người đầu tiên tìm được ngay đoạn cây thích hợp, anh ta chặt ra được hai cái cày tuyệt vời. Nhưng anh bạn cùng đi kia thì lúc nào cũng có cảm giác rằng cây sau sẽ đẹp hơn cây vừa thấy. Và cứ thế anh ta đi suốt ngày, không chịu chọn lại cây thích hợp. Cuối cùng anh ta cũng đẵn được hai đoạn gỗ làm vai cày, nhưng tồi hơn rất nhiều so với những cái những cái anh ta đã thấy lúc đầu. Mãi đến tối anh ta mới trở về làng, khi người bạn cùng đi đã rời thửa ruộng vừa cày xong bằng hai chiếc vai cày vừa chặt ban sáng…
Thứ hai là câu chuyện về cô dâu điếc: Người ta kể rằng, ở một làng kia, có một cô dâu điếc. Một chàng trai, hoàn toàn không biết cô ta bị điếc, đã nhờ người mối mai. Câu chuyện diễn ra rất suôn sẻ, đám cưới được tổ chức. Dân làng tụ họp rất đông. Cô dâu không muốn những người dự đám cưới biết cô bị điếc. Cô ta yêu cầu một người bạn gái luôn ngồi cạnh cô. Nếu người ta kể lại một câu chuyện vui có thể cười được thì cô bạn gái sẽ khẽ véo vào vai bên trái. Nếu bắt đầu kể một câu chuyện buồn rầu thì cô bạn gái sẽ véo vào vai bên phải.
Trong đám cưới cô dâu không nhất thiết phải nói, thậm chí tốt hơn hết là không nói gì. Bởi vậy lúc đầu mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. Cô dâu đã cười những lúc cần cười, đã lộ vẻ rầu rĩ khi mọi người chung quanh rầu rĩ.
Nhưng sau đó cô bạn gái đã quên mất lời dặn, lẫn lộn lung tung, cô ta véo vài vai phải khi lẽ ra phải véo vào vai trái và ngược lại. Cô dâu cười phá lên những lúc buồn rầu im lặng đăm chiêu, thở dài, buồn bã khi mọi người đều vui vẻ, hón hở.
Chàng rể chăm chú nhìn cô dâu, theo dõi mọi cử chỉ của cô ta và cho rằng cô ta hoàn toàn ngớ ngẩn. Ngay lúc đó, anh ta dẫn cô ta trở lại con đường mà cô ta đã đi đến đám cưới.
Như vậy, đề tài chính là điều nhà văn tự cảm nhận bằng trái tim của chính mình không cần người khác phải mách bảo. Tác giả viết: “Nhà văn chân chính không cần phải nhờ ai véo vào vai bên phải, lúc véo vào vai bên trái như cô gái điếc nọ. Chỉ có nỗi đau của chính trái tim anh, chỉ có niềm vui của chính anh mới bắt anh cầm bút”
“Dagestan của tôi” còn cho chúng ta rất nhiều những thông tin thú vị về thể loại, bút pháp, cốt truyện, tài năng, cách làm việc và cả những điều tác giả phân vân khi viết cuốn sách này. Một cuốn sách mang đậm màu sắc văn hóa và văn học Nga nhưng lại rất gần gũi với bạn đọc Việt Nam. Một cuốn sách có thể vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới và thách thức mọi rào cản thời gian.