Có lẽ, trong những năm gần đây việc ép trẻ học trước chương trình đã trở thành trào lưu trong xã hội, hiện tượng này không chỉ có ở thành phố, thị xã, những nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn có ở cả những vùng nông thôn, những nơi kinh tế khó khăn.
Như hái trái xanh
Nhiều phụ huynh đã ép trẻ học sớm để con biết đọc, biết viết, biết làm toán trước, vì sợ nếu con chưa biết sẽ không theo kịp các bạn, sẽ sợ học, mặc cảm, họ kì vọng rất lớn vào đứa trẻ, muốn con mình phải thật giỏi, muốn chuẩn bị kĩ cho con trước khi vào lớp 1, tưởng có lợi nhưng lại là bất lợi.
Tại sao các nhà nghiên cứu lại phải phân ra từng cấp học, mỗi cấp học lại có chương trình học riêng? Tại sao Bộ GD&ĐT không cho dạy chữ làm toán ở trường mầm non? Khi bước vào trường tiểu học, trẻ đã không có sự chú ý (do đã biết trước rồi) thì liệu trẻ có bắt nhịp được khi chương trình học khó dần lên không?
Câu trả lời là: Việc ép trẻ viết chữ, học đọc, học làm toán sớm, gây nên những cảm giác mệt mỏi về thể lực, những tiêu cực đối với sách vở, trẻ cảm thấy bị áp lực, ảnh hưởng đến việc học tập sau này, thậm chí còn có hại cho sự phát triển nhân cách của trẻ.
Trẻ bị gò ép vào khuôn phép quá sớm sẽ căng thẳng, bực bội, kết quả học chưa tốt, khiến trẻ thiếu tự tin, sợ học, tạo thói quen xấu.
Hơn nữa, khi đã biết trước các kiến thức của lớp một, vào năm học chính thức, trẻ dễ chán nản, chủ quan, mất đi khả năng tập trung chú ý, lắng nghe và trẻ sẽ thấy việc đi học là không quan trọng.
Thực tế rất nhiều cháu không hề học sớm nhưng đến khi vào lớp 1, chỉ mất thời gian đầu sau đó cháu đã vượt so với một số bạn học sớm, do chủ quan nên đã không theo kịp các bạn.
Theo khoa học nghiên cứu, hoạt động học đối với trẻ em dưới 6 tuổi đang ở thời kì phôi thai, ở thời kì này cho trẻ bắt đầu tiếp cận với quy luật chung của sự vật và hiện tượng xung quanh, đó là những tri thức tiền khoa học; việc cho trẻ học đọc, học viết, học làm toán mới chỉ ở thời kì tiền tập đọc, tập viết, tập làm toán, tức là giai đoạn làm quen.
Đến khi vào lớp 1 Tiểu học thì hoạt động học mới chính thức trở thành hoạt động chủ đạo của trẻ. Còn ở lứa tuổi mẫu giáo thì vui chơi là hoạt động chính, trẻ học mà chơi, chơi mà học, thông qua chơi trẻ được thao tác, được hoạt động, trải nghiệm, được thể hiện những nhu cầu cá nhân, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện. Mặt khác, vui chơi là quyền của trẻ em.
Chính những người làm cha, làm mẹ lại tước đi quyền này của trẻ, chính sự vô tình, sự nôn nóng, thiếu hiểu biết hay sự hạn chế những kiến thức về nuôi dạy con đã làm hại đứa trẻ, làm mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên của bé hay nói cách khác bé đã bị đánh cắp tuổi thơ, bé mất đi cơ hội được vui chơi, học tập các kĩ năng sống, rèn luyện sức khỏe, khám phá thế giới xung quanh...
Đối với trẻ dưới 6 tuổi cơ tay còn yếu, khả năng tập trung chú ý có chủ định chưa cao vì thế khi học viết sớm, trẻ dễ cầm bút tùy tiện, ngồi sai tư thế, gây ra không ít khó khăn cho việc khắc phục, uốn nắn những hậu quả mà trẻ đã mắc phải, nặng hơn có thể dẫn đến cận thị, vẹo cột sống...
Có thể hình dung, với những trái cây chưa đến ngày thu hoạch, nếu chúng ta cố tình hái non, với việc dùng các cách dấm, kích thích khác nhau để ép cho trái chín, thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, vị thơm ngon không được như những trái chín cây. Vậy thì trẻ dưới 6 tuổi cũng thế. Nếu các bậc phụ huynh cố tình ép con em mình học trước chương trình Tiểu học thì lợi bất cập hại.
Có phụ huynh thì yêu cầu giáo viên mầm non dạy trẻ, có phụ huynh lại đưa con đến nhà cô giáo tiểu học, hay những lò luyện chữ, bằng cách nào đi nữa, mục đích cuối cùng vẫn là để ép trẻ học trước, nhằm thỏa mãn sự kì vọng của cha mẹ, nhưng họ đâu có nghĩ rằng việc ép trẻ học quá sớm là tiêu diệt tận gốc sự hứng thú học tập của trẻ, gây cho trẻ những chán nản, chủ quan, chểnh mảng...
Vấn đề cơ bản ở đây là, việc dạy trẻ em đọc thông, viết thạo là nhiệm vụ của giáo viên tiểu học, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi theo chương trình giáo dục Mầm non do Bộ GD&ĐT quy định.
Giáo viên mầm non không được đào tạo cơ bản về việc dạy trẻ viết chữ, do đó không tránh khỏi việc dạy trẻ viết chữ và viết chữ mẫu vào vở ô li cho trẻ chưa chuẩn theo quy định. Vì vậy, phụ huynh yêu cầu giáo viên mầm non dạy trẻ học trước chương trình lớp 1 là không phù hợp.
Chuẩn bị tâm thế, trang bị kỹ năng
Để giúp trẻ bước vào trường Tiểu học một cách hiệu quả, cần chuẩn bị cho trẻ toàn diện về thể lực, trí tuệ, giao tiếp, ứng xử và một số phẩm chất tâm lí, kĩ năng cần thiết trong hoạt động học tập bằng những phương pháp phù hợp với sự phát triển của trẻ.
Nhà trường, đặc biệt giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi cần phối hợp với các bậc phụ huynh chuẩn bị cho trẻ tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1 Tiểu học.
Cần tạo cho trẻ chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập một cách khoa học, hợp lí; Rèn luyện các thao tác trí tuệ, kích thích những hứng thú đối với hoạt động trí óc như ham hiểu biết, thích khám phá những điều mới lạ;
Cần rèn cho trẻ biết tập trung chú ý vào những điều cần nhận thức trong khoảng thời gian nhất định là rất cần thiết ví dụ thời gian trẻ ăn, trẻ học, trẻ chơi trong bao lâu, đồng thời phải tập cho trẻ biết duy trì sự tập trung chú ý, biết làm việc có đầu, có cuối và hoàn thành công việc được giao.
Giúp trẻ biết cách cầm bút, mở sách ra xem, ngồi học đúng tư thế, phát âm và nhận dạng 29 chữ cái tiếng Việt, tập tô chữ và một số nét cơ bản, hướng dẫn trẻ cách sử dụng các dụng cụ học tập như thế nào cho đúng;
Chúng ta cũng cần tập cho trẻ một số thói quen đi đứng, ngồi học, tác phong nhanh nhẹn trong sinh hoạt, có ý thức tổ chức kỉ luật, đi học đúng giờ, không nghỉ học tự do;
Tập cho con em mình một số kĩ năng vệ sinh cá nhân, tính tự lập và khả năng tự phục vụ như: Vệ sinh răng miệng, tự mặc quần áo, đi vệ sinh; Cho trẻ tham quan trường Tiểu học, hướng dẫn trẻ giao tiếp với thầy, cô giáo và các anh chị ở trường Tiểu học.
Việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 là rất quan trọng. Khi đến trường Tiểu học, tâm thế sẵn sàng đi học của mỗi trẻ phụ thuộc vào sự chuẩn bị đúng đắn của trường Mầm non, đặc biệt là quan niệm của các bậc phụ huynh. Hơn nữa trường Tiểu học phải tuân theo quy định, quán triệt giáo viên dứt khoát không được dạy trước cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1.
Các bậc phụ huynh yên tâm rằng, theo quy định đối với trẻ đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 - 6 tuổi thì đã đủ điều kiện theo học lớp 1 vì ở đây trẻ đã được làm quen, tập tô 29 chữ cái tiếng Việt, biết tô các nét cơ bản, làm quen với 10 chữ số...
Sự hợp tác, đồng thuận của các bậc phụ huynh là một yếu tố quan trọng, cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo chăm lo cho sự nghiệp trồng người, tạo cho trẻ một tiền đề thuận lợi để phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách.