(GD&TĐ) – Phóng viên gdtd.vn có cuộc trao đổi ngắn với ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội - Địa phương được truyền thông liệt vào danh sách đang nóng bỏng về vấn đề “chạy đua cho con học trước lớp 1”.
|
Ảnh minh họa |
Nguy hiểm kiểu học “đốt cháy giai đoạn”
Đối với trẻ lớp 1, học chữ cái, ghép vần để đọc thành tiếng và đến đọc trơn. Để đọc trơn, trẻ sẽ được học trong vòng 21 tuần. Học sinh lớp 1 được đặc biệt chú trọng việc rèn kỹ năng cơ bản. Khi đọc trơn được, trẻ nhìn mặt chữ là sẽ đọc nhanh, đọc tốt. Ở các lớp học thêm là kiểu học “đốt cháy giai đọan”, một buổi học trẻ được nhồi nhét rất nhiều kiến thức. Kỹ năng cơ bản thì không đảm bảo, vì vậy kỹ năng đọc trơn của các cháu thường kém.
Tập viết cũng vậy, phải bắt đầu từ những nét cơ bản, viết từng chữ cái rồi ghép thành chữ. Khi dạy thêm, giáo viên cũng dạy theo quy trình đó nhưng vấn đề thời gian không đủ, thường là dạy rất nhanh các thao tác đơn lẻ mà chú trọng luôn vào chữ “thành phẩm”.
Một ngày học tại lớp 1, trẻ chỉ viết mấy dòng nhưng ở lớp học thêm, trẻ phải viết hàng trang. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Tay của trẻ còn yếu nên nhiều cháu đi học thêm về là sợ sệt vì mỏi tay, mỏi người. Khoa học đã chỉ ra rằng, ở lứa tuổi mầm non, xương khớp của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu duy trì thói quen ngồi học quá lâu hoặc sai tư thế.
Như cách nói của Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học Phạm Ngọc Định, “ép trẻ học trước lớp 1 là có tội với trẻ”.
Phụ huynh đừng bị tác động vì tâm lý phải đi học thêm, học trước lớp 1 thì con mới học giỏi được, mà hãy xem kết quả con thu được ở cuối học kỳ 1 và cuối năm học để đánh giá.
Hầu hết các giáo viên lớp 1 khi được hỏi đều đánh giá, những cháu chưa biết đọc, biết viết đến trường thì cuối học kỳ 1 và cuối năm đều đạt yêu cầu của chương trình đặt ra, kết quả học tập tốt, thậm chí tốt hơn những trẻ đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1.
Kiến thức và kỹ năng cần có của ứng viên lớp 1
|
Ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội |
Ông Tiến khẳng định, tuyển vào lớp 1 không có đề bài bắt trẻ đọc hay viết hoặc tính toán mà chỉ chấm khả năng nhận biết, nhìn hình vẽ, tìm hình giống nhau; khả năng tư duy, cũng kiểm tra chữ nhưng là nhận biết mặt chữ.
Ví dụ tìm chữ giống nhau trong một tập hợp các con chữ có trong hình. “Thi vào lớp 1” ở đây thực chất là trắc nghiệm chỉ số IQ của trẻ, chỉ kiểm tra khả năng nhận thức qua nhận biết hình ảnh và kiểm tra sức khỏe của trẻ.
Nhận biết chữ cái và các con số trong phạm vi 10 là những kiến thức cần thiết mà trẻ đã được trường mầm non trang bị và các bậc phụ huynh nên cùng giám sát, kiểm tra khả năng này của con. Đó là hành trang quan trọng về mặt kiến thức cho trẻ vững bước vào lớp 1.
Ví dụ đề bài về kể chuyện theo tranh gắn với các đề tài giáo dục đạo đức theo lối tư duy của trẻ là kiểu đề bài phổ biến.
Kiểu đề bài này vừa góp phần hình thành kỹ năng ngôn ngữ, vừa giáo dục tình cảm lại kiểm tra được khả năng tư duy logic của trẻ. Tất cả những kỹ năng này trẻ đã được trường mầm non trang bị
Chương trình lớp 1 đảm bảo rằng, hết năm học với 35 tuần học, trẻ sẽ biết cộng trừ trong phạm vi 100, biết viết và đọc trơn. Những kiến thức này có khi học thêm bên ngoài chỉ trong 04 tuần.
Học trước lớp 1 đối với trẻ làm người ta dễ liên tưởng đến sự “quá tải” của một chiếc ô tô. Với một chiếc xe trọng tải 3 tấn, nếu chở dưới 3 tấn thì độ bền của xe là 5 năm nhưng nếu chở quá tải đến 4 hay 5 tấn thì độ bền của xe chỉ tính bằng tháng.
Đó là một ví dụ đầy sinh động để liên tưởng. Và trước khi quyết định ép con học thêm trước lớp 1, phụ huynh hãy tự trả lời câu hỏi: Tại sao phải ép con mình trau dồi kiến thức một cách dồn dập như thế?
Bảo Minh ghi