Học trò 'trường làng' bứt phá giành giải quốc gia

GD&TĐ - Nằm ở địa bàn khó khăn, điểm đầu vào thấp nhưng nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của thầy, cô giáo, các trường ngoại thành Hà Nội vẫn ươm mầm thành công...

Vũ Thế Sơn và các bạn trong giờ học. Ảnh: Lan Anh
Vũ Thế Sơn và các bạn trong giờ học. Ảnh: Lan Anh

Thầy cô tận tâm

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024, Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) lần đầu tiên có học sinh đoạt giải. Đó là em Đỗ Chí Tiến - học sinh lớp 12A2, đoạt giải Ba môn Địa lý.

Thầy Nguyễn Duy Bỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang chia sẻ: Học sinh của trường đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia là niềm vinh dự, kết quả nỗ lực rất lớn của học sinh và giáo viên.

Trường THPT Minh Quang thành lập năm 2014. Với đặc thù địa bàn xa, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao, điểm đầu vào thấp, đội ngũ giáo viên trẻ, do vậy, tập thể thầy và trò nhà trường đã nỗ lực rất nhiều để đạt những thành tích đáng trân trọng.

Về bí quyết giúp học sinh có điểm đầu vào thấp trở thành học sinh đoạt giải thành phố, quốc gia, theo thầy Bỉnh đó là nhờ sự tận tâm của các thầy, cô giáo. Tại Trường THPT Minh Quang, các thầy, cô giáo hiểu tường tận về học sinh, từ hoàn cảnh gia đình, học lực đến tính cách, sở thích cá nhân.

Cũng như nhiều học sinh khác trong Trường THPT Minh Quang, Đỗ Chí Tiến có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhà có 2 chị em, bố mẹ làm ruộng, không làm thêm nên thu nhập chỉ đủ tiền trang trải cho chị em ăn học. Do đó, Tiến đã nỗ lực học tập. Năm học lớp 9, em đoạt giải Nhì môn Địa lý cấp thành phố và đỗ điểm cao vào Trường THPT Minh Quang.

Quá trình học tập tại Trường THPT Minh Quang, Tiến tiếp tục đạt thành tích đáng ngưỡng mộ. Năm lớp 10, em đoạt giải Nhì môn Địa lý cấp trường. Năm lớp 11, em đoạt giải Nhất cấp trường, giải Nhì cấp cụm, giải Nhì cấp thành phố. Năm lớp 12, Tiến đoạt giải Nhì thành phố và giải Ba cấp quốc gia.

Tiến cho biết, trong quá trình học tại trường, em được thầy cô và bạn giúp đỡ rất nhiều. Các thầy cô Trường THPT Minh Quang đều tâm huyết, quan tâm đến học sinh, tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ em trong học tập.

Cô Ðinh Thị Hồng Như - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang cho biết, Tiến học giỏi, là học sinh tiêu biểu của nhà trường, tấm gương sáng vượt khó vươn lên trong học tập. Ngoài Địa lý, em học giỏi nhiều môn khác. Em cũng luôn vui vẻ, hòa đồng với bạn bè và khiêm tốn khi kể về thành tích của mình.

“Việc một trường học ở xã miền núi khó khăn nhất huyện Ba Vì có học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh quốc gia thật đáng tự hào. Tự học tốt, có niềm tin vững vàng, quyết tâm chinh phục khó khăn, tôi tin Tiến còn đạt nhiều kết quả tốt hơn nữa trong tương lai”, cô Như chia sẻ.

Đỗ Chí Tiến (bên trái) và các bạn lớp 12A2 Trường THPT Minh Quang. Ảnh: Lan Anh

Đỗ Chí Tiến (bên trái) và các bạn lớp 12A2 Trường THPT Minh Quang. Ảnh: Lan Anh

Mang giải về trường làng

Năm học 2023 - 2024, đội tuyển Vật lý của Hà Nội dự thi học sinh giỏi quốc gia có duy nhất học sinh “trường làng”. Đó là em Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 12A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất. Sơn đạt 26 điểm, giành giải Nhì và đứng thứ 5 của đoàn Hà Nội.

Đáng chú ý, đây là năm thứ hai Sơn đoạt giải quốc gia. Năm học 2022 - 2023, Sơn thi vượt cấp và đoạt giải Ba. Em cũng là học sinh “trường làng” duy nhất trong đội tuyển. Người có công phát hiện và bồi dưỡng Sơn là thầy Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan. Theo quan điểm của thầy Trung, chỉ cần mô hình chuẩn, phương pháp đúng, học sinh trường làng có thể trở nên xuất sắc.

Sơn từng thi vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nhưng không đỗ và chỉ vừa đủ điểm vào Trường THPT Phùng Khắc Khoan, thấp hơn nhiều so với trường tốp cuối ở nội thành. Tuy nhiên, trong các năm học tại trường, Sơn đã bứt phá để đạt thành tích ấn tượng. Đầu tiên, thầy hiệu trưởng phát hiện ra thế mạnh của Sơn ở môn Vật lý qua thành tích học tập những năm học trước. Sau khi Sơn vượt qua bài kiểm tra, thầy Trung xếp Sơn vào lớp bồi dưỡng tài năng để có thể phát huy tối đa năng lực.

Thứ 7, Chủ nhật hằng tuần, thầy Trung đến trường làm việc tại phòng thí nghiệm. Tại đây, thầy kèm trực tiếp Sơn cùng một vài học sinh có tố chất đặc biệt. Nhờ tư chất nổi trội, trong kỳ đầu lớp 10, Sơn đã đoạt giải Nhất môn Vật lý lớp 11 cấp cụm Thạch Thất - Quốc Oai.

Một năm sau đó, thầy Trung đưa Sơn vào học chung nhóm 4 anh chị xuất sắc nhất lớp 12. Sơn tiếp tục thể hiện tài năng khi vượt qua các anh chị, giành giải Nhì cấp thành phố và giải Ba cấp quốc gia.

“Thành tích của Sơn có sự đóng góp của nhiều thầy cô; không chỉ ở Trường THPT Phùng Khắc Khoan mà cả giáo viên đã ôn luyện cho em trong thời gian tập trung đội tuyển quốc gia môn Vật lý của Hà Nội. Bên cạnh đó, có những người thầy mà tôi kết nối để dạy học trò của mình qua hình thức trực tiếp lẫn online. Tôi không đủ năng lực để dạy học sinh đoạt giải quốc gia. Đó là công của nhiều thầy cô khác và tôi biết ơn về điều này”, thầy Nghiêm Hồng Trung bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.