Học trò hào hứng với Chương trình mới

GD&TĐ - Năm đầu triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 tại Hà Nội đã mang lại những kết quả tích cực.

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Hoàng Cầu.
Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THPT Hoàng Cầu.

Việc được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp giúp học sinh hào hứng hơn với việc học, giảm tỉ lệ học sinh yếu kém.

Trò hào hứng học tập

Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đối với lớp 10. Sau 1 năm học đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong đó dễ nhận thấy nhất là học sinh hào hứng, chất lượng học tập thay đổi rõ rệt do các em được lựa chọn môn học đúng theo nguyện vọng, sở trường.

Nguyễn Thùy Linh - Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Em học không tốt các môn Vật lý, Hóa học nên rất lo khi lên lớp 10. Tuy nhiên chương trình mới đã giúp em được chọn môn học đúng sở trường năng lực, cảm nhận mỗi giờ học hấp dẫn hơn. Do được học môn học yêu thích nên em đào sâu tìm tòi khám phá những kiến thức mới.

Trần Khánh Vy - học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cho biết, chương trình mới có những bài học hấp dẫn, mang tính ứng dụng cao. Ví dụ như qua bài học môn Toán về phương trình đường tròn, chúng em biết được cách ứng dụng vào thực tế để đo khoảng cách, diện tích, thể tích. Như vậy, môn Toán gần gũi hơn với đời sống.

Cô giáo Ngữ văn Bùi Ngọc Lan - Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) chia sẻ: Qua một năm học thực hiện chương trình mới, tôi nhận thấy học sinh hào hứng hơn, tích cực hơn với bài học. Cụ thể đối với môn Văn, giáo viên đã có cách giảng dạy hoàn toàn mới, chỉ trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu.

Học sinh được tiếp cận và giải quyết một văn bản mới hoàn toàn chứ không ra đề lại những tác phẩm đã học. Nhờ đó, thầy cô có thể thực hiện linh hoạt kiểm tra đánh giá bằng nhiều hình thức như đối thoại trên lớp, đánh giá giữa học sinh, đánh giá qua dự án, hồ sơ học tập. Điều này góp phần phát huy phẩm chất, năng lực học trò.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) bày tỏ: Chương trình GDPT 2018 có sự thay đổi lớn với nhiều ưu điểm, chẳng hạn như việc chuyển quyền chủ động từ phía giáo viên về học sinh. Ở chương trình cũ, giáo viên phải chủ động để dẫn dắt, gợi mở, đưa ra kiến thức để học sinh tiếp nhận. Còn với chương trình mới, sách giáo khoa được viết theo mô hình để học sinh tự tìm hiểu kiến thức, sau đó thảo luận tại lớp, giáo viên sẽ chốt lại kiến thức để học sinh tiếp tục tìm hiểu. Đây cũng là ưu điểm, để học sinh chủ động tiếp cận kiến thức.

Với bài giảng môn Toán, giáo viên đã chuẩn bị nhiều phiếu học tập để học sinh có thể luyện theo từng khả năng phát triển như: Nắm bắt kiến thức cơ bản, áp dụng giải quyết bài toán, vận dụng, hình thành các bài toán dạng mô hình hóa toán học... Sau đó, giáo viên sẽ chấm các phiếu học tập, để biết năng lực mỗi học sinh và có hướng giúp các em tiến bộ hơn.

Học sinh Trường THPT Tây Hồ trong giờ học Toán.

Học sinh Trường THPT Tây Hồ trong giờ học Toán.

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu

Thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) - cho biết: Thực hiện Chương trình GDPT mới, nhà trường đã đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng.

Việc tổ chức giảng dạy các môn học lựa chọn đáp ứng nguyện vọng của học sinh dựa trên nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có được thực hiện hài hòa. Nhà trường cũng đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới nhằm phát huy phẩm chất, năng lực, tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện cho các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) - nhận định: Qua công tác kiểm tra giám sát, các cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, Sở ghi nhận sự chuyển đổi tích cực trong nhận thức, cố gắng nỗ lực của từng thầy cô trong đổi mới để đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Từ phong trào “Nhà trường chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp nhau cùng khắc phục những khó khăn về đội ngũ trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới đã được thực hiện.

Rất nhiều trường có những sẻ chia đáng quý như Trường THPT Việt Đức cử đoàn giáo viên tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THPT Minh Phú trong thời gian 1 tháng; Trường THPT Trần Phú cùng Trường THPT Yên Lãng chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; Trường THPT Cầu Giấy, THPT Bất Bạt chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy qua các bài giảng trực tuyến.

Với việc tổ chức hơn 10 chuyên đề, 10 tiết dạy minh họa gắn với sinh hoạt chuyên môn ở các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục thể chất theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trên toàn thành phố, Sở GD&ĐT đã cùng đồng hành với các nhà trường, giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc.

Thực tế tại các đơn vị còn cho thấy sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn trong các nhà trường đã chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn và hiệu quả, tiêu biểu như các trường THPT Dương Xá, THPT Thạch Bàn, THPT Sóc Sơn, THPT Lômônôxốp. Công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ của Ban giám hiệu các nhà trường theo hướng thực chất, hiệu quả cũng được chú trọng đặc biệt.

Sự chuyển biến tích cực của đội ngũ giáo viên thể hiện rõ nét nhất qua Hội thi giáo viên dạy giỏi. Trong số 102 tiết dạy tại hội thi, đã có 50 tiết dạy theo Chương trình GDPT 2018 và được đánh giá rất cao về tính sáng tạo. Các tiết dạy không còn phô diễn, hình thức, mà thực sự là những đổi mới, sáng tạo hướng đến yêu cầu phát huy cao tính tích cực, chủ động của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ