Học trò dân tộc Chăm của tôi

GD&TĐ - Ấp Chăm, xã Suối Dây thuộc huyện Tân Châu, Tây Ninh xưa kia gặp rất nhiều khó khăn, bà con người Chăm quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng cảnh nghèo khó cứ mãi đeo bám. Tôi về đây dạy, tiếp xúc với học trò Chăm, thầy trò có vô vàn kỷ niệm.

Nét hồn nhiên của học sinh dân tộc Chăm
Nét hồn nhiên của học sinh dân tộc Chăm

Học trò Chăm ngày ấy

Nếu tính từ năm 2003 cho đến nay, thì tôi đã tròn 15 năm giảng dạy tại xã Suối Dây. Đối với cái nghề dạy học, khoảng thời gian 15 năm không quá dài nhưng cũng không hề ngắn ngủi. Nhớ lại ngày ấy, mới chân ướt chân ráo về trường, tôi được các bạn đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều. Tôi vừa tham gia giảng dạy nhiều lớp, lại vừa làm công tác chủ nhiệm nên khá vất vả, nhưng thật may mắn là các học trò đều rất yêu thương quý mến tôi, trong đó, tôi ấn tượng nhất là tình cảm của học sinh người dân tộc Chăm.

Suối Dây là địa phương vùng sâu, trước đây thuộc vùng kinh tế mới của huyện Dương Minh Châu, sau này sáp nhập vào huyện Tân Châu và trở thành một xã. Dân cư từ khắp nơi tụ hội về. Chính vì vậy mà địa bàn xã có rất nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống như Khmer, Tà Mun, Hoa, Kinh, Chăm... Đối với bà con người Chăm, thì xã có hẳn một ấp với tên gọi là Ấp Chăm. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi, có chung nguồn gốc với người Chăm Tây Ninh.

 

Ngoài giờ dạy trên lớp, tôi lặn lội vào Ấp Chăm tìm hiểu. May mắn, tôi quen được với thầy giáo dạy chữ Chăm - Chàm To Hiết và sư cả Chàm Sệt. Hai vị này rất chân tình, vui vẻ và giúp tôi khá nhiều trong việc tìm hiểu văn hóa phong tục và đời sống của bà con ở đây. Hoàn cảnh từng đứa học trò Chăm ra sao, tôi đều nắm hết, tôi luôn kịp thời an ủi động viên và giúp các em trong lúc khó khăn, chính vì vậy mà tình cảm thầy trò ngày thêm gắn bó.

Bà con người Chăm ở đây đa phần đều theo Hồi giáo chính thống, nên đời sống văn hóa luôn gắn liền với tôn giáo và lễ hội. Phải thừa nhận rằng, hành trình tìm hiểu để có được sự đồng điệu với các học trò cũng hết sức gian nan và thú vị. Thông thường bà con ở đây có trên dưới 13 nghi lễ chính trong năm nhưng vui nhất vẫn là lễ Ramadan diễn ra vào 01/10 Hồi lịch. Vào dịp này, tôi tranh thủ đi thăm nhà của từng đứa học trò, chúc Tết, dự tiệc và tham gia cả nghi lễ tảo mộ của các gia đình họ… Năm tháng dần trôi, tất cả mọi thứ đều thuận tiện và xích lại gần nhau hơn.

Hầu hết các học trò Chăm của tôi đều rất ngoan. Không bao giờ các em phá nghịch hay vi phạm các điều cấm của nhà trường, có rất nhiều em đạt thành tích khá giỏi ở cuối năm, cũng có nhiều em vì hoàn cảnh mà bỏ học giữa chừng. Tôi đã không ít lần đi đến nhà các em vận động, hỗ trợ…

Có lần tôi đến thăm nhà Sực Ka Ri Za, em nói: “Con nghỉ ở nhà đi ăn mướn thầy ơi”. Thì ra “đi ăn mướn” là đi làm mướn để kiếm ăn. Vì nhà em rất nghèo, ba đi làm bên Campuchia lâu lâu mới về, mẹ thì bệnh…. gia cảnh khốn cùng, nên em phải chịu cái cảnh không mong muốn ấy… Tôi buồn lắm, nhưng đôi khi chuyện đời, lực lại bất tòng tâm. Tôi chỉ mong sao cho các học trò của tôi được hạnh phúc, dù đơn sơ bé nhỏ nhất của cuộc đời còn lắm gian truân này.

Thế hệ mới ở ấp Chăm

Trong vài năm trở lại đây, con đường vào ấp Chăm đã được tráng nhựa sạch sẽ, bà con không còn chịu cảnh nắng bụi mưa lầy nữa. Nhiều hộ Chăm cải tiến cách làm ăn, thoát nghèo hẳn và cũng có rất nhiều gia đình trở nên khá giả. Các lứa học trò Chăm của tôi sau này cũng rất khác xưa. Tỉ lệ học sinh Chăm đạt khá giỏi của trường tôi ngày càng tăng. Có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh như em Chàm Manh Sa Cớt, một học sinh tiêu biểu của trường trong thời gian qua.

Sinh ra trong một gia đình nông dân Chăm, có năm anh chị em, Chàm Manh Sa Cớt là con trai út. Các anh đều có gia đình và sống riêng, còn người chị gái thì đang học năm thứ ba khoa Kinh tế Ngân hàng tại Đại học Cần Thơ nên ngoài việc học ở trường, em còn phải phụ giúp cha mẹ làm mọi công việc trong gia đình.

Nhưng em luôn dành thời gian để cố gắng học hành chăm chỉ, tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào của trường lớp. Chính vì vậy mà em đạt được thành tích học sinh giỏi suốt chín năm liền. Đặc biệt, em rất thích môn học địa lý và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt với môn học này, và em đã xuất sắc đạt giải học sinh giỏi môn địa lý do huyện tổ chức.

 

Qua trao đổi, em cho biết, sau này sẽ phấn đấu sang Ả Rập du học hoặc vào Đại học Sư phạm để ra làm giáo viên. Vì theo em, chỉ có con đường học tập chân chính mới giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề của xã hội và con người, biết sống đúng đắn, có nghĩa tình với mọi người xung quanh và phát triển đời sống kinh tế của bà con dân tộc mình.

Ấp Chăm vẫn đó, tình nghĩa bao lứa học trò Chăm của tôi vẫn vậy. Cứ mỗi lần có dịp lễ Tết, tôi ghé lại Thánh đường thăm mọi người, nơi đây thầy cũ trò xưa lại có dịp hàn huyên tâm sự. Nhiều em đã có gia đình, cuộc sống khá ổn định, nhiều em đi làm ăn xa, lâu lâu về nhưng vẫn không quên ghé thăm thầy.

Các em nhỏ sau này thì đã tươm tất lắm, mỗi mùa lễ hội là mùa của trăm sắc hoa đua nở. Hạnh phúc của các em cũng là hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc của những con người đi bằng đôi chân lấm bùn đen, từng bước tiến lên cầu vồng ánh sáng, tìm đến bờ bến đợi chờ, nơi mà những đôi cánh nhỏ đang vươn mạnh mẽ, hướng đến tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải