Lớp học nghĩa tình nơi chân sóng

GD&TĐ - Lớp học rộng chưa đầy 20m2, mở ngay tại Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Người học có đủ thành phần, phần đông là những đứa trẻ đã quá tuổi nhưng chưa một lần được cắp sách đến trường, cũng có những phụ huynh đã ngót nghét 50 tuổi. 

Lớp học nghĩa tình nơi chân sóng

Lớp học tình nghĩa dành cho trẻ em và những người lao động nghèo được Đồn Biên phòng Hải Vân mở hơn một năm nay đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc học hành.

Tan ca, tôi đi học

Làm nghề chạy xe đường dài, công việc thường phải vắng nhà thường xuyên nhưng hôm nào vắng tuyến, anh Nguyễn Cữu Hiển (45 tuổi) lại tìm đến lớp học tình nghĩa của Đồn Biên phòng Hải Vân mở ngay nhà văn hóa của Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên. “Hồi nhỏ, nhà tui nghèo đến mức chỉ lo miếng cơm chứ cũng không nghĩ đến phải đi học kiếm ít chữ.

Tui đi làm lơ xe từ sớm, đến khi lập gia đình, sinh hai con, kinh tế khá giả dần, muốn biết chữ thì chịu, không có ai bày cho cả, mở miệng nhờ vợ thì ngượng” - anh Hiển thật thà kể. Rồi anh cười hồn hậu: “Đi học bữa đực bữa cái rứa chớ tui giờ cũng đã biết đọc biết viết rồi đó cô. Có biết chữ thì có khác chớ cô. Biết chữ rồi, ra đường tui cũng có phần tự tin hơn.

Tui tự đọc được phụ đề trên ti vi, không cần phải nhờ con “phiên dịch” dùm, ra đường cũng tự đọc tên đường, biển hiệu; ai nói gì, không hiểu hết thì mình cũng hiểu sơ sơ. Chớ trước đây, cứ cắm mặt mà làm, đâu có thể hiểu hết những điều người ta nói”.

Quệt giọt mồ hôi sau giờ tan ca cho kịp vào lớp, mỗi ngày làm việc của anh Hiển đều đứng đủ 12 tiếng trong dây chuyền. “Hôm nào không phải tăng ca còn kịp ghé qua nhà tắm táp, ăn tối rồi lật đật đến lớp; có hôm tui cũng phải bấm bụng nhịn đói đến lớp. Mệt thì mệt nhưng cứ bỏ một buổi học thì tui tiếc lắm, mình không biết chữ, thiệt thòi đủ đường chớ cô”.

Học viên của lớp học tình thương phần lớn đã ngoài 40 tuổi, thậm chí, có người còn lớn tuổi hơn cả thầy giáo. Thế nhưng, sự hồ hởi ở họ thì khó tìm thấy ở bất cứ lớp học nào, cứ như thể họ đã bỏ lại mọi lo toan, gánh nặng mưu sinh ngoài cánh cửa lớp.

Những lóng ngóng, vụng về khi ngày đầu cầm bút dồn lực viết những con chữ đầu tiên trên tập vở kẻ ô ly rồi cũng qua đi. Nét chữ dần cứng cáp, khi đã học thuộc mặt chữ, họ đều vỡ òa niềm vui bởi như cô Nguyễn Thị Hòa tâm sự: “Biết chữ sướng lắm chớ, đọc cái đơn thuốc cũng khỏi phải nhờ ai; có việc chi lên xã cũng đỡ tủi thân chớ cô. Lâu ni cứ mà có việc chi liên quan đến giấy tờ là tui lại cạy cục nhờ con cháu.

Ngày xưa nhà tui đông anh em nên không được đi học, lấy chồng rồi thì sấp ngửa với con cái, suốt ngày bám biển kiếm cá, nay mấy chú bộ đội quan tâm mở lớp ngay gần nhà nên tranh thủ học cho biết”. Cô Hòa theo học từ những ngày đầu mở lớp, chưa hề nghỉ một buổi nào, kể cả những hôm mưa to gió lớn, lớp học vắng gần hết, cô cũng lội bộ đi học.

“Đến chừ tui còn giữ lại quyển vở tập viết đầu tiên, thỉnh thoảng rảnh rỗi lại đem ra coi, tui không quên được cảm giác sung sướng khi lần đầu tiên tự mình viết được tên mình, khó tả lắm” - cô Hòa kể.

Trao yêu thương, nhận lại yêu thương

Lớp học tình nghĩa do Đồn Biên phòng Hải Vân và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp và dạy nghề quận Liên Chiểu phối hợp với UBND phường Hòa Hiệp Bắc mở từ tháng 9/2014. Lớp học được tổ chức vào các ngày thứ 2, 4, 6 trong tuần, bắt đầu từ 19 giờ 30.

Theo đứng lớp từ những ngày đầu, Trung úy Doãn Hồng Quang kể: “Thời gian đầu mới mở lớp, anh em trong đơn vị và chính quyền địa phương gần như tối nào cũng đến từng nhà vận động, nhắc nhở bà con đi học. Tâm lý chung của các cô chú là ngại cầm đến sách vở vì cũng đã lớn tuổi, lại tất bật với chuyện mưu sinh. Có những hôm trời mưa, lớp học chỉ có một học viên với hai thầy cô giáo đứng lớp nhưng mình vẫn kiên trì bám trụ. Rồi sĩ số cũng đông dần lên…”.

Trung úy Quang được các học viên trân trọng gọi là thầy, dù có những người bằng tuổi cha, tuổi chú. “Các cô chú ở đây lao động, buôn bán nhiều năm nên tính toán rất thông thạo, chỉ có chữ là không biết. Nên khi đi học, họ “đề nghị” các thầy cô chỉ… dạy chữ” - anh Quang kể.

Nhà ở tận quận Thanh Khê, cách đó 20km nhưng cứ đều đặn tuần ba buổi, cô Lê Thị Kim Hoa, GV Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q. Liên Chiểu) lại vượt gió biển đến với lớp học tình nghĩa. Lúc đầu, cô nhận lời cùng đứng lớp với Trung úy Doãn Hồng Quang vì Đồn Biên phòng và trường là đơn vị kết nghĩa. “Cứ nghĩ là đứng lớp một thời gian rồi xin nghỉ, nhưng dần dà, tình nghĩa với bà con làm mình thêm gắn bó” - cô Hoa tâm sự.

Tự nhận rằng mình chỉ là cô giáo dạy chữ, nhưng chính bà con lại là người thầy dạy cho cô những bài học về tình người. “Có những hôm mình ốm không đến lớp, bà con biết được lại xách con cá, con mực tìm đến nhà thăm hỏi, động viên rất chân tình”. Ngoài đứng lớp xóa mù chữ, cô Kim Hoa còn nhận thêm hai em học sinh yếu (một em ở Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, một em ở Trường THCS Nguyễn Thái Bình) đến lớp để kèm cặp.

Trong lớp học tình thương, em Lê Văn Phương (13 tuổi) là học sinh nhỏ tuổi nhất, được các chiến sỹ Đồn Biên phòng và thầy cô bao bọc như người nhà. Trung úy Quang kể: “Gia đình Phương là hộ nghèo, ba em bị bệnh nặng nằm một chỗ, mẹ bán cá ở chợ. Từ nhỏ Phương không được đến trường và ra chợ phụ mẹ buôn bán”. Phương phát triển chậm, lại quá tuổi đến trường nên không thể xin vào học ở trường nào.

Các chiến sỹ trong Ban Vận động quần chúng đến tận nhà xin ba mẹ Phương để em được ra lớp. Dù nhỏ tuổi nhưng Phương lại là “học trò” chăm chỉ nhất. Phương luôn lựa chọn ngồi bàn đầu, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Có hôm tan buổi học, Phương còn theo các chú bộ đội về ngủ lại ở đồn vì mẹ em phải ra biển chờ những chuyến tàu về khuya để lấy cá cho buổi chợ sớm.

Hôm chúng tôi đến lớp, tình cờ cũng là hôm có ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng ghé thăm và tặng quà cho lớp học nhân dịp Tết Nguyên đán. Đứng trước lớp học, ông Lê Trung Chinh xúc động: “Tôi không ngờ, tại vùng ven cửa biển này lại có một lớp học ấm áp tình nghĩa đến như vậy.

Lớp đông đủ nhiều lứa tuổi, có nhiều anh chị ban ngày phải lao động vất vả nhưng giờ này vẫn còn ngồi đây để học. Chúng tôi xin hứa, sẽ tiếp tục hỗ trợ để duy trì các lớp học như thế này. Xin cảm ơn các chiến sỹ, các thầy cô, chính quyền đã tích cực tham gia vận động, duy trì lớp học cho đến ngày hôm nay”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.