Tận dụng lợi thế của công nghệ
Khi còn nhỏ, Phụng Dương đã nuôi dưỡng ước mơ đi du học. Để hiện thực hóa, em luôn chăm chỉ ôn luyện ngoại ngữ. Càng tìm hiểu sâu, Phụng Dương dần nhận ra ích lợi của việc học ngoại ngữ: Thêm hiểu biết về văn hóa nhiều nước trên thế giới; lương và cơ hội thăng tiến cao hơn; có cơ hội đặt chân đến nhiều vùng đất...
Vì vậy, sau khi học xong THCS, Phụng Dương đăng ký và trúng tuyển lớp chuyên Trung K32, Trường THPT chuyên Thái Nguyên. Song song đó, em cũng dành nhiều thời gian học tiếng Anh và đạt chứng chỉ IELTS 7.5. Với sở thích học ngoại ngữ nên Phụng Dương học thêm tiếng Đức và đạt được chứng chỉ B2. Hiện, em thông thạo và có thể giao tiếp bằng 3 thứ tiếng.
Chia sẻ về hành trình học ngoại ngữ của mình, Phụng Dương cho biết: “Để có thể thành thạo được một môn ngoại ngữ, ngoài sự trợ giúp, hướng dẫn của thầy cô, tự học tại nhà đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh những gì được học tại lớp, em cố gắng tạo môi trường học tập riêng cho bản thân thông qua tìm tòi và rèn luyện khả năng ngoại ngữ.
Công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội chính là kho tài nguyên học tập phong phú, miễn phí. Do vậy, em luôn tận dụng kho tài nguyên này để rèn luyện thêm kiến thức cho mình bằng việc tập nghe, đọc, viết để củng cố thêm kiến thức”.
Đặc biệt, theo chia sẻ của Phụng Dương, phần lớn người học ngoại ngữ quá chú trọng “nhồi nhét” lượng từ vựng, ngữ pháp khổng lồ mà quên để ý khả năng phát âm và phản xạ trong giao tiếp. Càng lên cao, cấu trúc ngữ pháp càng phức tạp, lượng từ mới cần ghi nhớ lại càng nhiều và việc ghi nhớ toàn bộ là không dễ dàng.
Đến khi thực hành giao tiếp, mọi người lại mất thời gian suy nghĩ để sử dụng từ vựng khó, công thức ngữ pháp nâng cao nên việc giao tiếp không tự nhiên, phản xạ chậm hơn bình thường, dẫn đến tình trạng tự ti.
Phụng Dương luôn đặt rõ mục tiêu cho mình khi bắt tay vào học ngôn ngữ mới. Ảnh: NVCC |
Kế hoạch học tập rõ ràng
Theo Phụng Dương, yếu tố quan trọng để học tốt ngoại ngữ là người học cần lên kế hoạch học tập rõ ràng, đặt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và phân bổ thời gian học tập hợp lý giữa các nền tảng kiến thức. Bên cạnh đó, khi học ngôn ngữ mới, thay vì tra từ điển bằng tiếng Việt, mọi người có thể sử dụng từ điển của chính ngôn ngữ đó (VD: Đức - Đức) để bổ sung thêm lượng từ mới nhất định.
Đồng thời học cách người bản xứ hành văn ra sao, trong những ngữ cảnh đặc biệt nào để phân biệt cách sử dụng giữa những từ có cùng trường nghĩa với nhau. Ngoài ra, sử dụng song song từ điển (VD: Đức - Anh) cũng giúp người học phần nào củng cố từ vựng ở cả hai ngôn ngữ, tránh quên đi kiến thức của một ngôn ngữ sau một thời gian ít sử dụng.
Phụng Dương cho biết thêm: Xem các chương trình truyền hình thực tế hay video được đăng tải lên nền tảng mạng xã hội bởi các anh chị du học sinh hoặc đọc truyện bằng ngôn ngữ nước ngoài cũng là phương pháp mà em tận dụng để vừa thư giãn giải trí sau giờ học, vừa làm quen dần với giọng điệu, học cách sử dụng từ trong ngữ cảnh phù hợp và hơn thế nữa là hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống của nước bạn.
Và mỗi lần gặp cụm từ lạ, cấu trúc mới em sẽ lưu lại trên ứng dụng riêng của máy tính/điện thoại, tìm hiểu về nghĩa và cách dùng, sau đó phân loại chúng theo từng chủ đề để dễ dàng hệ thống lại kiến thức. Sau mỗi một lần tự tra cứu và tìm hiểu như thế, trong đầu em sẽ đọng lại một vài cụm từ và cấu trúc đặc biệt ấn tượng. Từ đó, em cố gắng áp dụng nó thật thường xuyên trong những bài viết luận hoặc bài nói của mình.
“Ngoài ra, khi một câu hỏi nào đó xoay quanh vấn đề bất kỳ nảy ra trong đầu, em luôn thử tự nhẩm câu trả lời bằng tiếng Việt trước, sau đó dịch ra cả ba ngoại ngữ và tập nói thành tiếng cùng với ngôn ngữ hình thể và biểu cảm gương mặt trước gương như thể đang giao tiếp với người khác. Bằng cách này, em biết rõ được bản thân nắm bắt chưa chắc vốn từ hoặc cấu trúc ngữ pháp nào để sau đó có thể bổ sung và tìm hiểu thêm”, nữ sinh chia sẻ.
Nhận xét về Phụng Dương, cô Phạm Thị Hải Vân – giáo viên dạy tiếng Trung Quốc tại Trường THPT chuyên Thái Nguyên, chủ nhiệm lớp Trung K32 cho biết: “Nhâm Phụng Dương là cán bộ lớp có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Em lễ phép với thầy cô, biết hỗ trợ bạn bè.
Trong quá trình học tập và rèn luyện, Dương luôn biết cách thu xếp thời gian biểu hợp lý, cân đối được việc học chính khóa và các hoạt động khác. Em duy trì được thành tích là học sinh giỏi trong 3 năm học và cũng đạt nhiều giải trong các kỳ thi như: Giải Ba kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Trung năm lớp 10, giải Khuyến khích kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Trung năm lớp 11…”.
Mục tiêu gần nhất mà Phụng Dương muốn chạm tới là đặt chân đến nước Đức để học tập và khám phá vùng đất mới. Tại đây, em có thể làm quen với bạn bè quốc tế, cùng nhau đi du lịch, trải nghiệm nền văn hóa khác nhau của các quốc gia trong châu Âu. Và chắc chắn với sở thích học ngoại ngữ, Phụng Dương sẽ học thêm tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha.