Học tiếng Anh qua mô hình Language Café

GD&TĐ - Mặc dù, mô hình Language Café còn khá mới mẻ ở các trường vùng  Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ được thí điểm ở Trường ĐH Đồng Tháp một học kỳ nhưng bước đầu thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với cô Huỳnh Cẩm Thảo Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Trường ĐH Đồng Tháp để hiểu thêm về mô hình dạy học tiếng Anh thú vị này.

Học tiếng Anh qua mô hình Language Café

Phát triển kĩ năng nói trong môi trường thân thiện

- Language Café là một trong những mô hình học tiếng Anh thú vị nhằm đưa lớp học ra thế giới bên ngoài và gắn kết với xã hội bằng các hoạt động ngoại khóa. Cô có thể chia sẻ thêm về mô hình này?

Mô hình Language Café được lấy ý tưởng từ Trường ĐH Dalarna, Thụy Điển, được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ sinh viên của Trường Dalarna phát triển kỹ năng nói ngoại ngữ và giao lưu văn hóa trong môi trường thân thiện, vui vẻ.

Nhưng khi tôi mang mô hình Language Café từ Thụy Điển về Đồng Tháp, do đặc thù vùng miền và vị trí địa lý của trường, do thực trạng sinh viên của trường chưa từng ra nước ngoài, nhu cầu của sinh viên và nhu cầu của xã hội nên mô hình Language Café có cải biến nội dung và cách thực hiện cho phù hợp. Ví dụ như Trường Dalarna không có đội ngũ sinh viên trợ giảng mà chỉ có người hướng dẫn thực hành ngôn ngữ, không có đội ngũ giảng viên làm cố vấn chuyên môn. Nội dung, kế hoạch hoạt động không chú ý phát triển năng lực sư phạm, kỹ năng tổ chức sự kiện và các hoạt động tập thể mà chủ yếu là tập trung phát triển kỹ năng giao tiếp và cũng không có hoạt động diễn tập.

Language Café ở Trường ĐH Đồng Tháp khác so với Thụy Điển ở chỗ, đây là chương trình sinh hoạt ngoại khóa định kỳ 2 tuần tạo cơ hội tiếp cận môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nhằm hỗ trợ các em ôn tập kiến thức đã học trong chương trình chính khóa, phát triển kỹ năng nói, kỹ năng tương tác, kỹ năng giao tiếp, năng lực sư phạm, kỹ năng tổ chức sự kiện và giao lưu văn hóa thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, trò chơi ngôn ngữ, hát, kể chuyện…

Mô hình được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau và ở nhiều địa điểm khác nhau tùy theo điều kiện thời tiết, quy mô tổ chức và nhu cầu của sinh viên nhưng phần lớn là ưu tiên những nơi công cộng như căng tin của trường, sân trường, nhà tập luyện thể thao.

- Mô hình Language Café được xây dựng và triển khai tại Trường ĐH Đồng Tháp như thế nào?

Mục tiêu chúng tôi đặt ra khi xây dựng mô hình này là xây dựng môi trường luyện tập tiếng thân thiện được tổ chức ngoài lớp học để phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Đối tượng tham gia chương trình bao gồm sinh viên tình nguyện làm trợ giảng (language tutors). Tùy theo quy mô của các kỳ sinh hoạt, số lượng tutors sẽ thay đổi theo tỉ lệ 1 tutor/8 người tham gia. Đội ngũ giảng viên tiếng Anh và tình nguyện viên quốc tế đảm nhiệm vai trò làm cố vấn chuyên môn để giúp đỡ và đồng hành cùng sinh viên trong việc lên ý tưởng cho các kỳ sinh hoạt, thiết kế hoạt động và tập dượt cho các em thông qua các buổi diễn tập trước khi thực hiện các kỳ sinh hoạt.

Language Café chú trọng đến các hoạt động “học mà chơi” giúp người tham gia tự tin hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tương tác. Nội dung, chương trình, các chủ đề và từ vựng gắn kết, hỗ trợ chương trình chính khóa, đặc biệt là chú trọng thực hành kỹ năng nói theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và kỹ năng hùng biện tiếng Anh. Ngoài ra, nội dung các hoạt động còn hỗ trợ chương trình giao lưu văn hóa, các hội thi hóa trang và thi hát tiếng Anh.

Một buổi sinh hoạt được tổ chức gồm 2/3 hình thức gắn kết các nội dung, gồm: Khởi động, trò chơi ngôn ngữ, giao lưu văn hóa và trình bày quan điểm.

Sau mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi đều thu thập 4 loại phiếu khác nhau: Phiếu phỏng vấn người tham gia, phiếu quan sát của giảng viên cố vấn, phiếu quan sát dành cho sinh viên trợ giảng, ghi hình và tổ chức họp rút kinh nghiệm ngay hôm sau để chỉnh sửa bổ sung các hoạt động, cập nhật chủ đề sao cho phù hợp với mong đợi của đa số sinh viên tham gia. Có kỳ, sau khi xem xét các phiếu phỏng vấn, chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ nội dung và cách thức tổ chức đã được chuẩn bị sẵn trước đó chỉ để đáp ứng đề nghị của sinh viên.

Sức lan tỏa ấn tượng

- Mới triển khai được một học kỳ, cô nhận thấy sức lan tỏa của mô hình này ra sao?

Mô hình đã nhận được sự ủng hộ của rất đông sinh viên và giảng viên. Lý do chính là các hoạt động của mô hình không chỉ có tính thực tiễn cao mà còn đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo sinh viên và giảng viên: Xây dựng được môi trường luyện tập tiếng thân thiện ngoài lớp học để phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Qua 6 lần tổ chức, mô hình đã thu hút được hơn 400 lượt sinh viên và 57 lượt giảng viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ tham gia. Mặc dù, đây là mô hình dành cho sinh viên chuyên Anh nhưng Language Café đã thu hút cả sinh viên đến từ Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Khoa Giáo dục Chính trị và Công tác xã hội và sinh viên lớp tiếng Trung Quốc. Riêng 2 chương trình “Ladies’ Night” chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và “Teachers’ Day” chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã thu hút hơn 200 sinh viên và giảng viên tham gia.

Mô hình đã góp phần tạo ra sức lan tỏa và tạo nên hiệu ứng tích cực đối với phong trào học ngoại ngữ trong cộng đồng người học tiếng Anh trong và ngoài trường. Theo khảo sát, có 92,6% lượt người tham dự đều muốn giới thiệu mô hình Language Café đến bạn bè của mình để có thể phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Tháng 7/2018, mô hình Language Café được Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp mời báo cáo tại Hội thảo chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

- Từ thực tế triển khai, theo cô, đâu là yếu tố quan trọng giúp triển khai thành công mô hình này?

Bài học quan trọng rút ra từ thực tế chúng tôi triển khai Language Café là sự lãnh đạo sát sao và kịp thời của các cấp quản lý đã tạo ra sự quyết tâm cho tập thể những người tham gia; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong trường và giữa những người thực hiện chương trình. Tất cả các yếu tố đó là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công trong việc xây dựng và phát triển mô hình “Language Cafe”.

Bên cạnh đó, các hoạt động được thiết kế trên cơ sở lấy ý kiến khảo sát đã thực sự đáp ứng nhu cầu của người tham gia và khơi dậy niềm yêu thích học tập môn Tiếng Anh. Nội dung các hoạt động không chỉ được thiết kế đa dạng, phong phú mà còn phải hỗ trợ được chương trình học chính khóa nhằm “giữ chân” người tham gia.

Nội dung chương trình được thiết kế như một kịch bản và phải được tập dượt kỹ trước khi thực hiện các buổi sinh hoạt (vì người hướng dẫn trực tiếp là sinh viên chuyên ngữ chưa thành thục về phương pháp truyền đạt cũng như kỹ năng tổ chức hoạt động). Việc lấy ý kiến phản hồi từ những người tham gia sau mỗi buổi sinh hoạt là điều cần thiết để đánh giá, rút kinh nghiệm và cải tiến nội dung nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người tham gia.

- Xin cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian