Học thật, thi thật

GD&TĐ - Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đang tập trung rà soát lại tình hình thực hiện chương trình của tất cả khối lớp; tăng cường dạy học trực tiếp bù đắp, bổ sung kiến thức các môn học.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng với đó tiếp tục dạy học nội dung cơ bản, cốt lõi, trọng tâm theo văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT. Công tác củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra, nhất là đối với bài kiểm tra cuối kỳ II cũng được đẩy mạnh, nhằm ổn định, nâng cao chất lượng dạy học trên tinh thần “dạy thực chất, học thực chất và chất lượng thực chất”.

Khối lớp 12, với đích đến rõ ràng là Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề tham khảo là mong mỏi của thầy cô đã được Bộ GD&ĐT đáp ứng. Nhưng không phải chờ có đề tham khảo thì guồng ôn tập mới khởi động. Việc tinh giản chương trình, giữ ổn định kỳ thi, không ban hành mới quy chế… giúp các nhà trường định hướng sớm và có thể triển khai công tác ôn tập hiệu quả ngay từ đầu năm học. Cách làm được nhiều trường thực hiện là ghi nhận sớm mong muốn của học sinh về chọn bài thi tổ hợp, từ đó đưa ra lộ trình ôn tập sát nhất với từng người học. Yêu cầu chung là xây dựng chương trình, nội dung ôn tập khoa học, phù hợp; vận dụng phương pháp hiệu quả; bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng... Đề tham khảo, đề thi chính thức năm 2021 là một trong những căn cứ để các trường xây dựng tài liệu học tập, tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Ngay sau khi có đề tham khảo, thầy cô tiếp tục phân tích ma trận, cấu trúc đề, đối sánh với đề thi năm trước, từ đó nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch, bổ sung, xây dựng mới để ôn luyện sát với đề tham khảo. Kế hoạch ôn tập cũng luôn dự trù những tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến; đồng thời quan tâm, có hình thức hỗ trợ đến những học sinh phải tạm thời dừng đến trường vì dịch bệnh. Để trang bị cho học sinh kỹ năng làm bài và tập làm quen với các dạng của đề thi, hầu hết trường học đều chủ động xây dựng kế hoạch thi thử hiệu quả, thiết thực.

Có thể nhận thấy, dù dạy học trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng so với những năm trước, thí sinh dường như giảm được khá nhiều áp lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự “giảm nhiệt” này có nhiều nguyên nhân: Kết quả kỳ thi không còn là chìa khóa gần như duy nhất mở cánh cửa vào đại học. Phương thức thi ổn định. Đề thi có cấu trúc quen thuộc, vừa sức; trong đó có đến 70 - 75% là câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chỉ khoảng 20 - 30%... Ngoài ra, một trong những “van giảm áp” quan trọng chính là sự chủ động chuẩn bị từ sớm của nhà trường và người học; coi trọng dạy học ở cả quá trình, không chỉ mỗi kỳ thi. Việc học nghiêm túc, có chất lượng từ đầu năm, học sinh học đến đâu vững kiến thức đến đó, triển khai kế hoạch ôn tập sớm… khiến áp lực không còn dồn vào thời gian trước kỳ thi.

Với sự chuẩn bị chủ động, quan tâm thiết thực đến người học từ cơ quan quản lý giáo dục đến từng nhà trường, học sinh sẽ chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, chất lượng, nhưng không căng thẳng, áp lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.