Chơi mà học
Thông thường, trẻ em dành 80% thời gian ở ngoài lớp học. Đại dịch Covid-19 đã biến con số đó thành 100%. Trên khắp nước Mỹ, các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em được yêu cầu đóng cửa. Quyết định này khiến nhiều gia đình phải vật lộn để giữ cho con họ được tiếp tục học tập.
Tuy nhiên, tới trường không phải là cách duy nhất để các gia đình giúp con họ được học trong thời kỳ khủng hoảng. Không ít người nhận ra tầm quan trọng của việc “học mà chơi”. Điều này đồng nghĩa là, những trải nghiệm dành cho trẻ em được thúc đẩy bởi sự tò mò và khám phá bên ngoài lớp học.
Cũng như các tác động về kinh tế, xã hội và sức khỏe do đại dịch mang lại, tình trạng bất bình đẳng càng trở nên trầm trọng hơn khi một số trẻ ở vùng sâu, vùng xa không thể tiếp cận với hình thức đào tạo từ xa. Vì vậy, tầm quan trọng của học tập vui vẻ ở những khu vực này càng được nâng cao.
Ngay cả trong những trường hợp tổ chức giáo dục thực hiện đào tạo từ xa, trẻ em cũng cần có các lựa chọn khác để di chuyển, sáng tạo và kết nối. Khu vực Học tập Vui chơi (PLL) - một sáng kiến tại Viện Brookings (Mỹ), đã tập trung vào cách biến không gian công cộng thành cơ hội học tập cho trẻ em. PLL giải quyết sự bất bình đẳng về giáo dục thông qua một mô hình toàn diện, dựa vào cộng đồng và thay đổi cấu trúc ở cấp độ cá nhân, gia đình cũng như khu vực lân cận. Một báo cáo gần đây của Viện Brookings nêu bật những nỗ lực của Philadelphia trong việc tích hợp công nghệ mới này vào học tập. Báo cáo ghi nhận những nỗ lực khác nhau của PLL trong thành phố, giúp cải thiện kết quả học tập và sự phát triển, đặc biệt là với trẻ em nghèo.
Các hoạt động PLL thường nằm trong khu vui chơi công cộng cũng như thư viện. Thậm chí, một số hoạt động diễn ra ở các cơ sở kinh doanh, bao gồm siêu thị và tiệm giặt là. Ví dụ: “Siêu thị nói” đã biến một chuyến đi hằng ngày đến siêu thị thành cơ hội học tập của trẻ. Thông qua những bảng chỉ dẫn đơn giản, trẻ em được khuyến khích trò chuyện với mọi người.
“Lan tỏa” phương pháp mới
Mặc dù, những nỗ lực như vậy đã được chứng minh là thành công, nhưng chúng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Viện Brookings và những tổ chức khác tại Mỹ đang nỗ lực thay đổi điều này bằng cách tương tác với các thành phố. Nhờ đó, mở rộng quy mô các hoạt động và đưa học tập vui chơi tới gần trẻ em hơn. Đồng thời, xây dựng một phong trào toàn cầu được phối hợp, nhằm định hình các phương thức chính thống của chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức khác.
May mắn thay, cha mẹ và người chăm sóc có thể nhân rộng những nỗ lực PLL hiện có trong các hoạt động xung quanh khu vực lân cận. Các khu học chánh, nhà cung cấp dịch vụ và công ty đang cung cấp thực phẩm cũng như mặt hàng thiết yếu khác có thể giúp phổ biến tới các gia đình. Những tổ chức này sẽ hỗ trợ bằng cách đưa các mẹo về cách học vui vẻ trong thông tin liên lạc với cha mẹ và người chăm sóc qua email, mạng xã hội.
Việc thu hút trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện sẽ giúp xây dựng kỹ năng đọc viết. Cha mẹ được khuyến khích tìm kiếm cơ hội để đặt những câu hỏi khơi dậy cuộc trò chuyện về những gì trẻ nhìn thấy, lắng nghe và quan sát được. Khi mở gói hàng tạp hoá, cha mẹ có thể hỏi trẻ những câu như: “Con lấy sữa lấy từ đâu?” hoặc “Những loại trái cây hay rau nào có màu đỏ/màu xanh lá cây?”.
Khi đi dạo quanh khu phố, phụ huynh có thể yêu cầu trẻ kể những câu chuyện về một số người sống trong các ngôi nhà: “Có bao nhiêu đứa trẻ sống ở đó?”; “Họ có vật nuôi không?”; “Con nghĩ họ sẽ ăn gì vào tối nay?”...
Đồng thời, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ em để ý đến việc so sánh và phân loại. Như vậy, con sẽ phát triển các kỹ năng toán học quan trọng. Điều cần thiết là biến toán học trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Khi trẻ chơi đùa cùng quần áo, phụ huynh có thể gợi ý để con phân loại theo màu sắc hoặc chất liệu. Hoặc, khi trẻ vui đùa ở khu phố hay công viên, con có thể phát hiện những thứ cùng màu sắc, hình dạng hoặc kết cấu. Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ chú ý đến những điều khác biệt khi đi ra ngoài vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Ví dụ: Nhiệt độ, kích thước và vị trí của bóng râm, âm thanh của xe chở rác...
Khuyến khích trẻ em nói chuyện và suy nghĩ về các mối liên kết trong không gian là điều quan trọng để đạt được thành công sau này trong một loạt lĩnh vực, bao gồm toán học, kỹ thuật và vật lý. Nhờ đó, trẻ sẽ dễ dàng tìm kiếm cơ hội để sử dụng ngôn ngữ và hình dung giải pháp cho nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, khi ngồi trên xe hoặc đi dạo, cha mẹ có thể khuyến khích con tìm cơ hội sử dụng các thuật ngữ về không gian, như: Phía trên, phía dưới, bên cạnh, bên phải/bên trái. Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiếp xúc sớm với ngôn ngữ về không gian dự đoán các kỹ năng tốt hơn. Đặc biệt, trẻ sẽ có khả năng vận dụng những kiến thức đó vào môi trường trong tương lai.
Ngoài ra, phụ huynh có thể vẽ bản đồ cho trẻ. Sau đó, yêu cầu con chơi trò tìm đồ vật bằng cách sử dụng bản đồ. Hầu hết trẻ em đều hứng thú với những “cuộc săn lùng” như vậy.
Đây chỉ là một số cách đơn giản để thu hút trẻ em vào các hoạt động vui chơi và giáo dục. Những nỗ lực ở Philadelphia và các khu vực khác cho thấy, khoản đầu tư mở rộng cơ hội học tập trong khu vực công có thể mang lại lợi ích lớn đối với gia đình và cộng đồng. Khi đại dịch chấm dứt, việc bảo đảm phần lớn thời gian trẻ dành cho việc học tập vui vẻ là điều vô cùng quan trọng.