Học tập gương người tốt việc tốt thông qua đọc sách

GD&TĐ - Thông qua việc đọc sách, nhà trường muốn học sinh chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao và phù hợp với tâm sinh lý của từng em. Đồng thời giúp các em học tập những gương tốt việc tốt, nâng cao kiến thức và hình thành nhân cách.

Học sinh trường THPT Phan Bội Châu tham gia Ngày hội đọc sách.
Học sinh trường THPT Phan Bội Châu tham gia Ngày hội đọc sách.

Đưa “văn hoá đọc” thành thói quen của học sinh

Trong những năm qua, mỗi tháng với từng chủ đề khác nhau, trường THPT Phan Bội Châu (xã Ia Chim, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tổ chức nhiều hoạt động thực tế, như: trồng và chăm sóc cây xanh, tham quan Bảo tàng lịch sử tỉnh, điểm đến văn hoá… từ đó giáo dục học sinh phải biết gìn giữ truyền thống của quê hương, đền ơn đáp nghĩa… Ngoài ra, xây dựng tiểu phẩm để giáo dục học sinh phải biết sẻ chia, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm các quy định của pháp luật.

Với từng chủ đề liên quan, thầy Bùi Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đơn vị còn phát động tháng hành động vì trẻ em tỉnh Kon Tum, Ngày hội đọc sách…

Để hưởng ứng Ngày sách Việt Nam và tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc, trường THPT Phan Bội Châu phối hợp với bảo tàng - thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách. Tại ngày hội tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đều tham gia với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: dàn dựng hoạt cảnh trong tác phẩm văn học, hoạt cảnh lịch sử, xếp sách nghệ thuật theo khối lớp , đọc sách tại sân trường, nêu cảm nghĩ sau khi đọc sách, tham gia trò chơi….

“Thông qua Ngày hội đọc sách nhằm góp phần đưa “văn hóa đọc” trở thành thói quen đối với học sinh. Qua đó rèn cho học sinh biết chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao phù hợp với tâm sinh lý của từng em. Đồng thời giúp các em học tập những gương tốt việc tốt, các nhân vật sự kiện lịch sử, thế giới tự nhiên khoa học.... để nâng cao kiến thức và hình thành nhân cách của các em. Ngoài ra, tuyên truyền giáo dục cho các em về việc đọc sách cũng như trân trọng giữ gìn và bảo vệ sách”, thầy Minh nói.

Em Nguyễn Viết Nhân chia sẻ, đọc sách không chỉ giúp em tiếp thu thêm kiến thức để bổ trợ cho việc học tập. Thông qua việc đọc sách em cùng các bạn biết thêm nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa và những nhân vật lịch sử đã cống hiến, hy sinh bảo vệ tổ quốc, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Võ Thị Sáu...

"Những anh hùng thời xưa đã không quản thân mình, hy sinh bảo vệ tổ quốc. Do đó, thế hệ trẻ chúng em phải cố gắng học thật giỏi để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước", em Nhân bộc bạch.

Sẻ chia về bạo lực, xâm hại qua đường dây nóng

Học sinh Kon Tum tham gia đóng tiểu phẩm về Bạo lực học đường.
Học sinh Kon Tum tham gia đóng tiểu phẩm về Bạo lực học đường.

Những năm qua, tình trạng bạo lực, xâm hại ở trẻ em diễn ra khá phức tạp và đã để lại nhiều hệ luỵ đau lòng. Với mong muốn bảo vệ, trợ giúp các em tránh vấn nạn này chính quyền tỉnh Kon Tum đã triển khai theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Ông Nguyễn Thanh Tính – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum cho hay, những năm qua đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành GD&ĐT, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố…có những chương trình truyền thông. Theo đó, triển khai bằng hình thức trực tiếp, lồng ghép, xây dựng phóng sự, tờ rơi, tờ gấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cho trẻ em, cha/mẹ/người chăm sóc về nhận biết và phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại.

“Hệ thống Bảo vệ trẻ em được thiết lập từ cấp tỉnh đến cấp xã, được tập huấn hằng năm nhằm nâng cao năng lực, thực hiện các hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Đội ngũ nhân viên của Trung tâm công tác xã hội tỉnh hỗ trợ tuyến huyện quản lý đối với những trường hợp khó, nghiêm trọng, tư vấn hỗ trợ tâm lý để các em và gia đình giảm thiểu nỗi đau, ổn định tâm lý, tinh thần hòa nhập cộng đồng”, ông Tính nói.

Đồng thời, các em có thể chủ động trao đổi, chia sẻ với các thầy cô giáo, nhân viên Phòng tham vấn học đường… qua đường dây nóng Bảo vệ trẻ em để chia sẻ, trình báo các sự việc xâm hại, bạo lực. Bên cạnh đó là những tình huống nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em để các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ, can thiệp.

Không chỉ bạo lực học đường, ở lứa tuổi các em học sinh chưa thật sự nhận thức được thông tin đúng, sai mà mạng xã hội mang lại. Có những trường hợp bị mạng xã hội tác động khiến bản thân học sinh có suy nghĩ, hành động tiêu cực gây ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.

Để học sinh sử dụng mạng Internet với mục đích tham khảo, học tập và học hỏi kĩ năng sống, Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum khuyến cáo các em khi tham gia mạng xã hội cần nghiên cứu kỹ các điều khoản, kỹ năng về sử dụng mạng xã hội.

Ngoài ra, cần nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không nên tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ